Chương 10:
Sự tàn bạo được che đậy
Teng Biao (Đằng Bưu)
“Bốn dùi cui điện bắt đầu giật điện tôi và tôi cảm nhận rõ ràng khi dùi cui chạm vào. Cảm giác như thể các cơ quan nội tạng và tất cả các cơ bắp của tôi đang co giật dưới lớp da, cố gắng chạy trốn hoặc ẩn nấp. Tôi đau đớn lăn lộn trên sàn. Khi Vương (Wang) bắt đầu sốc điện vào dương vật của tôi, tôi cầu xin ông ta thương xót. Nhưng nước mắt cầu xin của tôi chỉ đổi lại sự cười nhạo và thậm chí tra tấn dã man hơn.”
“Không phải ông nói ĐCSTQ đang sử dụng biện pháp tra tấn sao? Một lần nữa chúng tôi sẽ cho ông nếm trải toàn bộ. Tra tấn Pháp Luân Công là sự thật, hoàn toàn sự thật. Bộ 12 dụng cụ mà chúng tôi sử dụng để tra tấn ông, chúng tôi đã dùng để tra tấn Pháp Luân Công. Tôi không sợ ông nói sự thật – thực tế tôi thách ông viết điều đó. Ông gần như không có cơ hội sống để kể lại chuyện này. Sau khi chúng tôi giết ông, họ sẽ không thể tìm thấy xác của ông.”
“Tôi đã không còn biết đến thời gian khi ai đó bắt đầu tiểu lên mặt tôi. Ba bộ dùi cui điện áp lên khiến tôi bị sốc điện đến mức lăn lộn trên sàn, mất hết phẩm giá. Sau khoảng mười phút, toàn thân tôi run rẩy không ngừng. Sau đó, tôi bị cùm, quỳ xuống đất trong khi họ dùng tăm chọc vào bộ phận sinh dục của tôi. Tôi không thể dùng ngôn ngữ gì để diễn tả cảm giác tuyệt vọng, đau đớn và chết lặng lúc đó. Đó là loại cảm giác mà ngôn ngữ và cảm xúc con người không thể diễn tả nổi dù chỉ một chút.”
Luật sư Cao Trí Thịnh
Im lặng trước bạo lực khủng khiếp
Những lời kể trên là đoạn trích từ mô tả của Luật sư Cao Trí Thịnh về sự tra tấn mà ông phải chịu đựng trong bài viết gần đây nhất của ông với tựa đề “Dark Night, Dark Hood and Kidnapping by Dark Mafia” (Đêm tối bị trùm đầu trong bóng tối và bị những tên côn đồ bắt cóc). Trước khi bị bức hại, ông Cao đã thực hiện nhiều cuộc điều tra về sự thật, hoàn cảnh đằng sau cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công của ĐCSTQ và đã phơi bày những phát hiện của mình cho thế giới dưới hình thức các lá thư ngỏ gửi đến những nhà lãnh đạo Trung Quốc. Trong số rất ít người dám nói lên sự thật về chủ đề cuộc bức hại Pháp Luân Công, ông Cao là một trong những người đầu tiên và can đảm nhất. Như đã nhắc đến ở trên, những câu chữ của ông thể hiện sự đau đớn và những mô tả của ông khiến người ta kinh hoàng. Thành thật mà nói, tôi đã ngừng đọc một vài lần. Tôi ước gì những điều mà ông Cao đã gánh chịu không phải là sự thật và tôi có thể ngoảnh mặt đi và quay lại với cuộc sống thoải mái và dường như nằm trong sự kiểm soát của mình. Nhưng không phải, đây là một thực tế mà tôi cảm thấy mình không thể chối bỏ. Khả năng chịu đựng tra tấn của một người là có giới hạn. Như nhà văn T. S. Eliot đã từng nói, “Con người không thể chịu đựng được những gì vượt quá mức so với thực tế”.
Để trả đũa Pháp Luân Công và buộc các học viên phải từ bỏ đức tin của mình, ĐCSTQ đã thực hiện cuộc đàn áp và tra tấn vô lương tâm nhắm vào các học viên Pháp Luân Công. Trong 15 năm qua, cỗ máy đàn áp đã được tổ chức có hệ thống, từ chỉ thị của những người đứng đầu ĐCSTQ đến việc thực hiện mệnh lệnh của những nhân viên cấp thấp nhất, các học viên Pháp Luân Công phải đối mặt với thảm họa về nhân quyền vô cùng to lớn. Theo ước tính của chính quyền Trung Quốc, trước khi cuộc bức hại bắt đầu vào ngày 20/07/1999, có tới 100 triệu người tập luyện Pháp Luân Công.
Việc các học viên Pháp Luân Công bị “Phòng 610” sát hại đã trở thành sự thật hiển nhiên và không bị pháp luật ràng buộc. Phòng 610 là cơ quan được tạo ra nhằm mục đích chủ yếu là bức hại các học viên Pháp Luân Công và những người tham gia vào cuộc bức hại Pháp Luân Công sẽ không bị xử lý theo pháp luật. Hơn nữa, việc tùy tiện bắt cóc và giam giữ các học viên Pháp Luân Công sẽ không phải chịu bất kỳ hạn chế hay hình phạt nào. Theo trang web Minh Huệ, tính đến tháng 11/2014, có tổng cộng 3,795 học viên Pháp Luân Công được xác nhận là bị bức hại đến chết, tuy nhiên con số thực tế ước tính còn cao hơn nhiều. Từ số lượng lớn các báo cáo với những chi tiết đau lòng đến mức không thể chịu nổi về cuộc tàn sát, có thể so sánh sự tàn bạo này với những sự việc xảy ra trong trại tập trung Auschwitz—nơi 1.1 triệu người đã thiệt mạng. Năm 2007, ông David Kilgour, cựu Quốc Vụ Khanh Canada phụ trách khu vực Châu Á Thái Bình Dương và cũng là cựu thành viên Quốc hội, cùng với ông David Matas, luật sư nhân quyền quốc tế của Canada, đã tiến hành một cuộc điều tra độc lập và đi đến kết luận rằng “[Một tội ác] đã và đang xảy ra hôm nay là việc thu hoạch nội tạng cưỡng bức quy mô lớn từ các học viên Pháp Luân Công”. Hơn nữa, các nhà nghiên cứu còn lưu ý rằng việc thu hoạch nội tạng đang diễn ra đồng thời ở nhiều tỉnh của Trung Quốc. Họ mô tả tội ác thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc là “ một tội ác chưa từng có trên hành tinh này”.
Tôi không có ý định đi sâu vào việc mô tả chi tiết những bi kịch mà các học viên Pháp Luân Công phải gánh chịu, bởi vì những sự thật như vậy có thể dễ dàng tìm thấy trên mạng internet. Thay vào đó, qua bài viết này tôi muốn bàn luận chi tiết về sự im lặng tệ hại của thế giới trước những hành vi bạo lực khủng khiếp này.
Chịu đựng sự phong tỏa trong im lặng
Tại Trung Quốc, mọi người im lặng về vấn đề Pháp Luân Công cứ như thể không có chuyện gì xảy ra. Trên Internet, mọi tìm kiếm về bất kỳ thông tin gì của Pháp Luân Công đều không có kết quả và hầu như không có cuộc thảo luận nào về chủ đề này trên bất kỳ mạng xã hội hoặc kênh diễn đàn nào. Không có phóng viên nào sẽ bỏ ra một giây để xem xét việc điều tra hoặc báo cáo tin tức về Pháp Luân Công, cho dù đó là tin tức về việc một người bị bắt cóc hay 100 người bị giết. Các trí thức và học giả sẽ không viết về chủ đề này; các học giả sẽ không đưa sự thật về cuộc bức hại này vào nghiên cứu học thuật của họ. Đại đa số các luật sư tránh xa các vụ án Pháp Luân Công, và những người tự xưng là “Luật sư kiên cường” cũng từ chối đại diện cho Pháp Luân Công. Thậm chí những người có tư tưởng dân chủ, những người bất đồng chính kiến và những người hoạt động nhân quyền [cũng] không bao giờ đề cập đến vấn đề Pháp Luân Công, cứ như thể rằng điều đó không liên quan gì đến nhân quyền vậy.
Tình huống bên ngoài Trung Quốc cũng không khá hơn là bao. Truyền thông dòng chính không muốn báo cáo tin tức về Pháp Luân Công. Các chính trị gia không nói về Pháp Luân Công. Các nhà văn không viết về Pháp Luân Công. Các học giả không làm nghiên cứu về Pháp Luân Công. Thậm chí còn có lượng lớn các tổ chức nhân quyền cũng do dự khi nói về Pháp Luân Công.
Có thể họ không biết gì về sự thật này? Vấn đề không phải là họ không biết, mà đúng hơn là họ không muốn biết. Cuộc đàn áp theo lối chiến dịch toàn quốc năm 1999 đã tấn công Pháp Luân Công một cách điên cuồng, sử dụng toàn bộ bộ máy tuyên truyền và truyền thông Quốc gia để chỉ trích và phỉ báng Pháp Luân Công bằng những lời dối trá bịa đặt như vụ tự thiêu được dàn dựng ở Quảng trường Thiên An Môn, các báo cáo sai sự thật về những bài giảng Pháp Luân Công cấm học viên khám bệnh và các học viên đã đe dọa chính phủ v.v. Việc tuyên truyền này đã và đang ngấm ngầm, lan đến các tổ chức và tập đoàn cũng như các trường tiểu học và đại học. Tôi nhớ rằng vào thời gian tôi đang làm luận án Tiến sĩ tại Đại học Bắc Kinh, nơi mỗi nghiên cứu sinh đều phải nộp báo cáo bằng văn bản về hiểu biết cá nhân của họ về Pháp Luân Công. Hứa Chí Vĩnh (许志永 Xu Zhiyong), một nghiên cứu sinh tiến sĩ khác và tôi đã tham dự một hội nghị chuyên đề có đại diện từ nhiều trường đại học ở Bắc Kinh và những người từ cộng đồng giáo dục khai phóng cũng tham dự. Tại hội nghị chuyên đề, chỉ có Hứa Chí Vĩnh và tôi nêu ra chủ đề về việc chính quyền vi phạm “luật pháp” trong cách đối xử với Pháp Luân Công. Không ai khác trả lời hoặc đưa ra bình luận nào.
Mặc dù thông tin về Pháp Luân Công đã gặp phải sự phong tỏa nghiêm ngặt nhất hiện nay bằng “Vạn lý tường lửa” của Trung Quốc (GFW), các học viên Pháp Luân Công đã phát minh ra nhiều phần mềm dễ sử dụng để vượt qua bức tường lửa này. Vì vậy, những người có khả năng “vượt tường lửa” không thể không tiếp xúc với những thông tin như vậy. Các quản trị viên mạng chịu trách nhiệm kiểm tra các mạng sẽ được thông báo rằng các thuật ngữ như “Pháp Luân Công”, “Lý Hồng Chí” (nhà sáng lập Pháp Luân Công) và “thu hoạch nội tạng sống” đều là những thuật ngữ nhạy cảm. Các luật sư sẽ được thông báo rằng các vụ án về Pháp Luân Công là những vụ án nhạy cảm. Trên thực tế, cho dù không có những thông báo này, theo bản năng mọi người cũng sẽ biết rằng những thuật ngữ này và chủ đề này là vùng cấm. Theo lý thuyết “vòng xoáy im lặng”, mỗi người đều có một “trực giác tính toán” tương tự như “giác quan thứ sáu”, vì vậy cho dù không cần thăm dò dư luận, người ta vẫn biết về dư luận dòng chính áp đảo. Là những sinh vật sống theo quần thể, chúng ta thường sợ bị cô lập và thường tránh bất kỳ hoạt động nào dễ dẫn đến chia rẽ với người khác. Những chủ đề có tính nhạy cảm cao bao gồm Tây Tạng, xung đột người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, nạn tham nhũng của quan chức Trung Quốc, nhà tù đen của Trung Quốc và vụ thảm sát sinh viên ngày 04/06 là những chủ đề mà người dân Trung Quốc và nhiều người bên ngoài Trung Quốc sẽ không công khai đề cập. Đứng đầu danh sách là cuộc bức hại Pháp Luân Công. Mọi người đều biết chuyện gì xảy ra với ông Cao Trí Thịnh, Lý Hoằng (Li Hong), Vương Vĩnh Khang (Wang Yonghang), và Lưu Như Bình (Liu Ruping). Mọi người đều biết bạn cùng lớp hoặc hàng xóm tập Pháp Luân Công của họ bị bắt cóc hết lần này đến lần khác hoặc sau đó chết một cách bí ẩn tại các trung tâm tẩy não. Mọi người biết rằng lên tiếng cho Pháp Luân Công sẽ có thể dẫn đến việc không được cấp hộ chiếu, mất việc làm, và thậm chí là bị đưa đến các trại lao động cưỡng bức hoặc đơn giản là biến mất. Mọi người biết rằng cách tiếp cận khôn ngoan nhất và an toàn nhất là “không nhìn, không nghe, không nói”.
Trở nên im lặng
Sự thật đáng kinh ngạc về cuộc bức hại này như con voi ở trong phòng; không ai muốn giải quyết điều này. Trong cuốn sách năm 2007 của mình với tiêu đề “The Elephant in the Room: Silence and Denial on Everyday Life” (Con voi trong phòng: Im lặng và phủ nhận cuộc sống hàng ngày), ông Eviatar Zerubavel giải thích rằng đó là “chúng ta biết nhưng nhận ra rằng chúng ta giả vờ không biết”. Điều này tương tự với những gì mà ông George Orwell gọi là “ba phải” vào năm 1984. Trong trạng thái bất lực, nơi con người cảm thấy họ không có năng lực để thay đổi những gì cần thay đổi, con người nhận thức rõ ràng rằng nên giữ kín một số điều không thể giải quyết thỏa đáng. Mọi người hiểu rằng Pháp Luân Công là điều mà chính quyền Trung Quốc không muốn mọi người biết đến, và sẽ tìm mọi cách để bịt miệng những người lên tiếng. Vì vậy người Trung Quốc biết rõ câu nói này: “Đừng nói. Đừng nhìn. Đừng hỏi. Đừng tò mò”.
Người Trung Quốc biết rằng bản thân cuộc bức hại Pháp Luân Công là một chủ đề quá sâu để đề cập đến. Năm 2007, khi tôi đang giải quyết vụ án của Vương Bác (Wang Bo), tôi đã nhận ra vấn đề này thực sự đáng lo ngại đến mức nào. Trong và ngoài tòa án, không khí tràn ngập sự thù địch và căng thẳng. Sau phiên tòa, tôi bị bốn nhân viên chấp hành kéo và ném ra ngoài tòa án Thạch Gia Trang. Đường phố được canh gác nghiêm ngặt và chìm trong sự im lặng chết chóc. Bầu không khí khủng bố như vậy nặng nề hơn rất nhiều so với bất kỳ vụ án nhân quyền nào mà tôi từng tham gia trước đây. Có thể tưởng tượng chính quyền đã kinh ngạc và tức giận thế nào khi chúng tôi công bố trên mạng những lời bào chữa đã được nghiên cứu kỹ lưỡng của mình rằng “hiến pháp là tối cao, đức tin là vô tội”. Những lời bào chữa này đã phủ nhận hoàn toàn tính hợp pháp của chính quyền về cuộc đàn áp Pháp Luân Công và vạch trần tội ác của chính quyền Trung Quốc vì chà đạp tàn bạo quyền tự do tôn giáo.
Cần phải có can đảm hơn nữa để đối diện với sự thật, điều này đúng với cả những người trong và ngoài Trung Quốc. Trong cuốn sách “The Slaughter: Mass Killings, Organ Harvesting and China’s Secret Solution to Its Dissident Problem” (Cuộc tàn sát: Giết người hàng loạt, mổ cướp nội tạng và cách giải quyết bí mật của Trung Quốc về các vấn đề bất đồng chính kiến) của nhà báo Ethan Gutmann đã phơi bày rất chi tiết sự thật về cuộc bức hại Pháp Luân Công. Ông Jay Nordlinger, biên tập viên cao cấp của National Review thừa nhận những khó khăn của ông khi đọc cuốn sách của ông Guttmann: “Tôi phải thừa nhận rằng tôi đã bỏ qua một số trang và không xem những bức ảnh…” Cho đến nay, tôi vẫn nhớ cảm xúc của mình khi đọc câu chuyện thật thà và đáng lo ngại của ông Cao Trí Thịnh: đó là lo lắng, trầm cảm, hoảng loạn và cố gắng phủ nhận những gì đã đọc.
Cuộc bức hại Pháp Luân Công nằm ngoài sức tưởng tượng của con người. Các chi tiết của việc tra tấn và thủ đoạn tà ác của những tên thủ phạm tà ác thực quá khủng khiếp, vượt xa những gì hầu hết chúng ta có thể chấp nhận. Phản ứng đầu tiên của chúng ta luôn là thái độ hoài nghi. Ông Nordlinger từng viết, các báo cáo từ thời Liên Xô về: “nạn diệt chủng người Do Thái” đã bị gạt bỏ như những tin đồn thất thiệt. Thật đáng sợ khi những điều khủng khiếp như vậy có khả năng xảy ra.
Đây là thời điểm quan trọng trong ý thức chung của chúng ta. Để chấp nhận những nỗi kinh hoàng mà ĐCSTQ đã gây ra, chúng tôi muốn xem những sự kiện như vậy là cá biệt và không thừa nhận những tội ác to lớn này. Có cách nào khác để giải quyết những tình huống mà chúng ta tin rằng nằm ngoài tầm kiểm soát của mình hay không?
Tuy nhiên, cách duy nhất để cuộc bức hại Pháp Luân Công chấm dứt là bất kỳ ai trong chúng ta đều phải đối mặt với sự tà ác và đau khổ cùng cực này. Chúng ta không thể nói rằng đây là một điều hiếm thấy trong lịch sử nhân loại. Chúng ta phải thừa nhận mức độ nghiêm trọng của tội ác mà chính quyền này gây ra, dành sự quan tâm đúng mức và xem xét hệ lụy của những tội ác này. Sau khi chịu đựng cú sốc tinh thần hoặc cảm xúc to lớn, trái tim và tinh thần của chúng ta sẽ trở nên mạnh mẽ hơn. Tội ác của ĐCSTQ và nỗi đau khổ của người dân của nó sẽ không ngừng tồn tại nếu chúng ta phớt lờ. Ngược lại, sự thiếu quan tâm của chúng ta chính là điều kiện tiên quyết cho sự ngạo mạn của thủ phạm.
Đôi khi, chúng ta chỉ cần lắng nghe tiếng nói nội tâm của mình, hoặc suy ngẫm về mọi thứ xung quanh với một chút tò mò. Một người bạn từng kể cho tôi nghe một câu chuyện: sau khi tốt nghiệp đại học, anh ấy từ Sơn Đông đến Quảng Đông tìm việc làm. Đơn vị công tác yêu cầu anh cung cấp tài liệu xác minh rằng anh không có tiền án tiền sự và chưa bao giờ tu luyện Pháp Luân Công. Những tài liệu này là bắt buộc để lấy hộ chiếu và xin việc. Anh ấy chưa bao giờ nghe nói đến Pháp Luân Công cho đến lúc đó, và không hiểu tại sao cần phải có bằng chứng như vậy, vì vậy anh ấy đã “vượt tường lửa” và tìm hiểu về cuộc đàn áp Pháp Luân Công của chính phủ.
Tuy nhiên, việc tiết lộ công khai những gì mình biết không phải là điều dễ dàng. Có nguy cơ là hành động đạo đức tưởng chừng như đơn giản này sẽ không chỉ kích động sự đàn áp của chính quyền mà còn gây ra áp lực to lớn hữu hình hoặc vô hình từ “đa số những người im lặng”. Phơi bày sự thật sẽ làm sáng tỏ tội ác của chính phủ và làm như vậy có thể ảnh hưởng đến lợi ích của một số bên; nêu bật sự vô đạo đức của những người im lặng; và phá vỡ nhịp sống an toàn và ngọt ngào mà con người mong muốn duy trì. Chúng ta thích những gì thoải mái như: tuyển tập truyện “Quà tặng tâm hồn”, những bài hát ru ngọt ngào và những bộ phim kết thúc có hậu. Chúng ta không thích máu và nước mắt, đau khổ và phải cân nhắc kết cục mà cái chết mang lại. Tuy nhiên, chúng ta càng đối mặt với những điều khó chịu thì lòng can đảm của chúng ta càng quý giá và việc nói ra sự thật của chúng ta càng trở nên quan trọng và có tác động đối với toàn thể nhân loại. Ở những nơi mà sự im lặng ngự trị, trong thời đại chuyên chế và dối trá tràn lan, việc vạch trần sự thật không chỉ là khởi đầu cho sự phản kháng, mà chính xác là điều nằm ở nền tảng của sự chữa lành và thay đổi.
Tâm lý đổ lỗi nạn nhân
Con người thường có bản năng xem sự khác biệt của người khác bằng con mắt thờ ơ và thậm chí coi thường. Với sự trợ giúp của phương tiện truyền thông nhà nước, các học viên Pháp Luân Công bị xem như kẻ thù, những người cuồng giáo, mất trí và ngớ ngẩn. Những quan điểm này đã được quảng bá nhằm làm giảm nhẹ áp lực tâm lý cho những kẻ hành ác và làm giảm gánh nặng đạo đức cho số đông im lặng. Một số người thậm chí đổ lỗi cho các học viên Pháp Luân Công về cuộc bức hại! Kiểu quan hệ nhân quả ngược này tương tự như việc buộc các sinh viên và công dân không có vũ khí phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát trên Quảng trường Thiên An Môn.
Bằng cách sử dụng phương tiện truyền thông và quyền lực của nó để gây ảnh hưởng đến cộng đồng quốc tế, ĐCSTQ đã thao túng cách nhìn của người dân ở trong và ngoài Trung Quốc về quốc gia này. Do đó, người dân kinh ngạc trước những tòa nhà chọc trời và đường cao tốc tráng lệ ở Trung Quốc, thu nhập ngày càng tăng của người dân nghèo khó, sự khéo léo và kỹ năng của của những vận động viên đạt huy chương vàng Olympic của quốc gia cũng như sự giả vờ tôn vinh văn hóa truyền thống qua nhiều Viện Khổng Tử mọc lên trên khắp thế giới. Đối với chính phủ này, các chủ đề nhạy cảm thường bị bỏ qua hoặc bị hiểu lầm.
Trong khi ĐCSTQ, bao gồm cả người khởi xướng cuộc bức hại Pháp Luân Công, cựu lãnh đạo chính phủ Trung Quốc Giang Trạch Dân và Chu Vĩnh Khang, từng là quan chức hàng đầu của ĐCSTQ và Phòng 610, rõ ràng phải chịu trách nhiệm về cuộc bức hại Pháp Luân Công, thì sự im lặng của thế giới, sự đồng mưu đáng xấu hổ này – cũng không tránh được trách nhiệm đạo đức. Nếu không có hàng trăm triệu người tham gia vào “âm mưu im lặng”, vấn đề của Pháp Luân Công hầu như sẽ không thể trở thành “con voi” lớn nhất thế giới.
Ông Elie Wiesel cho biết Auschwitz “không chỉ là một thực tế chính trị, mà còn là một thực tế văn hóa”, và trên hết, nó là “đỉnh cao của sự khinh miệt và thù hận phi lý”. Điều này cũng đúng với cuộc bức hại Pháp Luân Công. Những sự thật về nạn diệt chủng của Đức Quốc xã đã được tiết lộ cho thế giới, thủ phạm đã bị trừng phạt, và mọi người đã dành cho giai đoạn lịch sử chung này của chúng ta một sự công nhận và cảm kích vô giá. Tuy nhiên, những hành động man rợ của ĐCSTQ với các hình thức tra tấn từ thời Trung Cổ và các trại tập trung gợi nhớ về thời Đức Quốc xã vẫn còn tràn lan ở Trung Quốc ngày nay. Cuộc đàn áp Pháp Luân Công vẫn còn tiếp diễn, thủ phạm vẫn chưa bị bắt và bạo lực vẫn đang xảy ra. Quá nhiều người trong chúng ta nhắm mắt làm ngơ và tỏ ra không nghe thấy, không hiểu rằng sự im lặng và thờ ơ đã khiến chúng ta trở thành những kẻ chủ mưu gây ra những tội ác tàn bạo quá đáng này! Chúng ta cần nhớ rằng chúng ta phải trả giá cho những hành động cũng như cả sự không hành động của mình. Những lời của ông Martin Luther King Jr. đóng vai trò như một lời nhắc nhở quan trọng: “Ngày chúng ta nhìn ra sự thật và ngừng nói là ngày chúng ta bắt đầu chết.”