Chương 9:
Sự tàn bạo bị vạch trần: Sự thật chấn động về nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc
Katrina Lantos Swett
Trong thời đại đầy phức tạp này, từ “tà ác” phần nào đã trở nên lỗi thời. Thông thường đây là một từ khiến mọi người cảm thấy khó chịu vì nói tới những hành động tiêu cực không thể lý giải, bào chữa hay biện minh được. Tuy nhiên, có một số hành động thậm chí còn tàn bạo hơn và không từ ngữ nào có thể diễn tả được. Đó chính là hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức của các tù nhân lương tâm của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đã đến lúc các bác sĩ, các nhà lãnh đạo chính trị và các nhà hoạt động nhân quyền phải cùng chung tay nói lên sự thật về tội ác man rợ này.
Mặc dù ĐCSTQ đã nỗ lực hết sức để che giấu sự thực về hành vi tàn bạo này, nhưng cái kim trong bọc lâu ngày rồi sẽ phải lòi ra. Đó là một bức tranh kinh hoàng nơi con người bị đối xử như hàng hóa, họ có thể bị giết chết và bị thu hoạch nội tạng bất cứ lúc nào vì lợi nhuận của người khác.
Việc thu hoạch nội tạng của những tử tù một cách phi đạo đức bắt đầu từ những năm 1980 cuối cùng đã chuyển thành một hoạt động tàn bạo hơn nhiều. Khi ranh giới đạo đức bị vi phạm, thật khó để chỉ ra một cách chính xác sự khác nhau giữa việc lấy cắp nội tạng của những kẻ phạm tội giết người, kẻ hiếp dâm đã chết với việc sát hại các tù nhân chính trị và tù nhân lương tâm để thu hoạch và bán nội tạng của họ. Nhưng có những bằng chứng cho thấy ranh giới này trên thực tế đã bị vượt qua trên quy mô lớn.
Nhờ hoạt động đáng chú ý của tổ chức phi chính phủ là DAFOH (Bác sĩ chống cưỡng bức thu hoạch nội tạng), câu chuyện bẩn thỉu và đau lòng về lòng tham và sự đàn áp chính trị đang bắt đầu lộ diện. Dựa trên tài liệu sâu rộng từ các cuộc phỏng vấn với các cựu tù nhân, nhân viên từ các trại lao động và thậm chí cả nhân viên y tế đồng lõa với những hành vi vi phạm nhân quyền này, có vẻ như có hàng chục nghìn người dân vô tội đã trở thành nạn nhân của tội ác chống lại nhân loại này.
Và những nạn nhân vô tội này là ai? Bằng chứng cho thấy phần lớn trong số họ là học viên Pháp Luân Công. Cộng đồng tín đồ ôn hòa này đã trở thành mục tiêu của một chiến dịch đàn áp, phỉ báng, bỏ tù và tra tấn tàn bạo của chính phủ kể từ năm 1999. Giống như các cộng đồng tôn giáo khác bao gồm Phật giáo Tây Tạng và phong trào Giáo hội tại gia, Pháp Luân Công được coi là một mối đe dọa không thể chấp nhận được trước sự thống trị của ĐCSTQ. Vì các cộng đồng có đức tin ràng buộc với nhau bởi niềm tin chung vào luật lệ và nguyên tắc vượt trên cả thế tục và vật chất, các chế độ như chính quyền Cộng sản Trung Quốc đã nghi ngại họ và cho họ là nỗi sợ hãi sâu sắc. Không một cộng đồng tôn giáo nào ở Trung Quốc bị nghi ngại như Pháp Luân Công. Trong hơn 15 năm, cộng đồng này đã phản ứng trước cuộc đàn áp tàn bạo một cách ôn hòa và bất bạo động, thể hiện lòng quả cảm và sự kiên định đối với tín ngưỡng và tu luyện của mình.
Toàn thế giới luôn cảm thấy khó hiểu khi chính phủ Trung Quốc nhắm đến bộ môn tín ngưỡng Phật gia truyền thống này. Với các bài tập thiền định nhẹ nhàng và triết lý đạo đức đặt trọng điểm vào sự thiện lương, lòng chân thành và khoan dung, học viên Pháp Luân Công thực sự là những công dân kiểu mẫu ở bất cứ cộng đồng nào nơi họ sinh sống. Có một thời, cộng đồng tín ngưỡng này thực sự được chính quyền Trung Quốc hoan nghênh vì luân lý và đạo đức đáng ngưỡng mộ của họ. Nhưng khi Pháp Luân Công ngày càng phổ biến, với số lượng học viên lên tới 70-100 triệu người, chính quyền Trung Quốc ngày càng lo ngại rằng phong trào tâm linh này là mối đe dọa đối với sự độc quyền của Đảng Cộng sản trong trái tim và khối óc của người dân Trung Quốc.
Chính phủ Trung Quốc cũng đã sử dụng nguồn lực khổng lồ của bộ máy tuyên truyền để bức hại các học viên Pháp Luân Công trên diện rộng. Bất chấp những đau khổ to lớn mà họ phải chịu đựng, các học viên Pháp Luân Công vẫn kiên định với niềm tin của mình và kiên trì kể lại những câu chuyện của họ. Trong khi hàng chục luật sư và nhà hoạt động nhân quyền hàng đầu của Trung Quốc được truyền cảm hứng để lên tiếng thay cho Pháp Luân Công, thì chính các học viên đã tận dụng sức mạnh của Internet để tạo ra các công cụ vượt qua cảnh sát mạng của Trung Quốc và chia sẻ câu chuyện của họ với thế giới. Pháp Luân Công đã đóng vai trò cốt lõi trong việc giúp người dân Trung Quốc vượt qua tường lửa của Trung Quốc vốn ngăn cản gần một tỷ công dân của nước này được tự do truy cập Internet. Họ đã tạo ra một số công cụ vượt tường lửa tinh vi và hiệu quả nhất, chẳng hạn như Freegate và Ultrasurf. Họ tin rằng việc tự do truy cập thông tin không bị kiểm duyệt là điều cần thiết để xây dựng một tương lai dân chủ và tốt đẹp cho người dân Trung Quốc.
Một phần nhờ vào các công cụ truy cập internet tự do này, thông tin về tội ác thu hoạch nội tạng kinh hoàng đang truyền ra và truyền vào Trung Quốc, tạo ra một phong trào ngày càng dâng cao nhằm vạch trần và loại bỏ hành vi lạm dụng nhân quyền cơ bản trên quy mô lớn này.
Tháng 12/2013, DAFOH đã gửi một bản kiến nghị với 1.5 triệu chữ ký tới Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc, kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra về “vụ tàn sát tù nhân lương tâm để mổ lấy nội tạng” của Trung Quốc.
Sau đó, Nghị viện Châu Âu đã thông qua một nghị quyết yêu cầu chấm dứt ngay lập tức hành động hành quyết tù nhân lương tâm, bao gồm cả học viên Pháp Luân Công để thu hoạch nội tạng của họ dưới sự bảo trợ của chính phủ Trung Quốc.
Đây là những bước quan trọng và đáng khích lệ, nhưng trên thực tế, việc ngăn chặn thành công hoạt động mua bán nội tạng bất hợp pháp là một chặng đường đầy thách thức ở phía trước. Một phần nguyên nhân là lòng tham. Trong một thế giới thiếu hụt nguồn nội tạng hiến tặng cho cấy ghép, các bệnh nhân tuyệt vọng sẵn sàng trả những khoản tiền lớn để có được nội tạng họ cần. Những quả thận có thể được bán với giá 60,000 USD và những lá gan được cho là có giá gần 100,000 USD. Giác mạc, tim và phổi cũng có nhu cầu lớn. Chính sự kết hợp độc hại giữa mục tiêu chính trị, lòng tham tài chính và nạn tham nhũng sâu rộng đã tạo ra nỗi kinh hoàng về y tế và đạo đức này. Theo một số ước tính, con số học viên Pháp Luân Công có thể đã là nạn nhân của cơn bão tà ác này lên tới 65.000 ngàn người.
Giờ đây, khi Trung Quốc phải đối mặt với thời kỳ chuyển đổi chính trị, có bằng chứng cho thấy những người có liên quan đến các vụ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng chống lại Pháp Luân Công được kế nhiệm bởi các chính trị gia đã từng có dính líu đến những tội ác này. Tại sao? Bởi vì họ muốn bảo đảm rằng họ sẽ không bị trừng phạt vì những hành vi sai trái họ đã làm. Những người này nên ghi nhớ lời của Martin Luther King, “Vòng cung lịch sử thì dài nhưng nó luôn luôn hướng về phía công lý”.
Adlai Stevenson II, cựu Đại sứ Liên hợp quốc và Thống đốc bang Illinois, từng nói rằng “Giải pháp bắt đầu bằng việc nói ra sự thật”. Đã đến lúc các nhà lãnh đạo trên thế giới phải kiên trì nói lên sự thật khi đề cập đến nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức. Chính phủ Trung Quốc không được phép che giấu tội ác này và trên hết, hành vi này cần phải chấm dứt, một lần và mãi mãi. Các quan sát cho thấy: “Trong bất kỳ sự thỏa hiệp nào giữa thiện và ác, chỉ cái ác là có lợi”. Tà ác đã thu được lợi nhuận khổng lồ từ việc thu hoạch nội tạng ghê rợn của những người đàn ông và phụ nữ vô tội đang còn sống ở trên khắp Trung Quốc. Những sinh mạng bị đánh cắp của họ đang kêu gào đòi công lý và đó là tiếng kêu cứu không thể bị phớt lờ.