Một Cuộc Bức Hại Tà Ác Chưa Từng Có: Sự tà ác chưa từng có trên Trái Đất này

Chương 17:

Sự tà ác chưa từng có trên Trái Đất này

Nhận ra tội ác Diệt Chủng của Trung Quốc và bắt tay vào hành động

Tác giả: Carlos Iglesias Jimenez

Khi chúng tôi phân tích khái niệm diệt chủng được mô tả trong Công ước về Ngăn ngừa và Trừng phạt tội diệt chủng ngày 09/12/1948, chúng tôi nhận ra rằng con người có thể tà ác đến mức độ nào. Nếu có các lãnh đạo của một số chế độ độc tài nào có khả năng tiêu diệt một nhóm người vì lý do tôn giáo, chủng tộc hay sắc tộc, thì điều này có nghĩa là sự thoái hoá về giá trị con người đã đến mức tận cùng.

Trong suốt chiều dài lịch sử, các cuộc diệt chủng đã diễn ra với sự tham gia hoặc đồng lõa của các nhóm quyền lực cao nhất dưới sự cai trị của các chế độ độc tài. Với mọi phương tiện sẵn có và bất kỳ trong khả năng của chính phủ, bao gồm cả nguồn lực kinh tế và các tổ chức chính quyền sẽ được sử dụng để đạt mục tiêu loại bỏ toàn bộ một nhóm người vô tội.

Sử dụng đủ loại phương thức khác nhau, từ các chiến dịch tuyên truyền trong và ngoài nước cho đến giết người, cuộc đàn áp Pháp Luân Công đã được khởi xướng dưới thời cựu lãnh đạo ĐCSTQ là Giang Trạch Dân vào năm 1999, và nó đã được thực hiện bởi tất cả các cấp chính quyền, nhằm mục đích tiêu diệt hoàn toàn những người theo hệ thống tín ngưỡng này. Tẩy não nhằm ép buộc các học viên Pháp Luân Công từ bỏ đức tin của họ và “chuyển hóa” suy nghĩ của họ để phản ánh tốt hơn hệ tư tưởng của Đảng, tra tấn thường tàn bạo đến mức dẫn đến cái chết, và việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng luôn dẫn đến cái chết của các học viên; những hành động này khớp với định nghĩa về tội ác diệt chủng như đã nêu tại Điều II và III của Công ước năm 1948. Trong lịch sử gần đây, nạn diệt chủng ở Rwanda đã khiến 500.000 người thiệt mạng vào năm 1994 và nạn diệt chủng Srebrenica đã khiến hơn 8.000 người thiệt mạng vào năm 1995. Từ năm 1999, hơn 100 triệu học viên Pháp Luân Công đã trở thành đối tượng của cuộc bức hại tàn bạo do nhà nước hậu thuẫn ở Trung Quốc và trên toàn thế giới.

Thông thường, nếu không phải luôn là như vậy, nạn diệt chủng bị vạch trần chỉ sau khi nó đã leo thang qua các giai đoạn đầu, khi vô số sinh mạng đã bị mất một cách bi thảm. Đây chắc chắn là trường hợp của các nạn nhân vô tội ở Trung Quốc đang tu luyện Pháp Luân Công (còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp), một môn tu luyện tín ngưỡng, ôn hòa dựa trên nguyên lý chân, thiện, và nhẫn.

Khi Công ước về diệt chủng được Liên Hiệp Quốc thông qua năm 1948, dường như lương tâm tập thể đã xuất hiện; xuất hiện sự phát triển cao hơn của những giá trị nhân đạo nhằm bảo vệ sự sống, đức tin và nhân phẩm của con người.

Nhưng điều mà người ta không chú ý là vào chính thời điểm ngay sau Chiến tranh thế giới lần thứ II, thứ được hình thành tại phương Đông, và cụ thể hơn là tại Trung Quốc, lại là một chế độ độc tài, phá hoại, độc ác và vô tâm nhất trong lịch sử nhân loại. ĐCSTQ, một chế độ bạo ngược không chỉ cố hủy hoại một số lượng lớn người dân của chính nó — hàng triệu người có thiện chí, đang cố gắng nâng cao đạo đức và sự lương thiện đối với mọi người — mà nó còn đang trục lợi từ việc hủy diệt họ, giết chết hàng chục ngàn người vì nhu cầu lấy tạng của họ.

Đây là thực tế mà nhiều nạn nhân của những tội ác khủng khiếp này đã cho tôi thấy rõ. Và khi nghe về những thảm kịch kinh khủng này, tôi cảm thấy buộc phải hành động trong khả năng của mình với tư cách là một luật sư để giúp đỡ những người vô tội này. Tôi may mắn có thể áp dụng Luật thẩm quyền phổ quát của Tây Ban Nha được lập ra Trong bộ Luật tổ chức về Quyền tư pháp của Quốc gia này. Tại thời điểm đó, Điều 23 của Bộ Luật này là luật tiến bộ nhất trên thế giới có liên quan đến bảo vệ công lý trên toàn cầu, vì nó cho phép khả năng truy tố các thủ phạm diệt chủng hoặc tra tấn với bất kể quốc tịch của họ và quốc tịch của nạn nhân.

Hành trình của tôi trong cuộc chiến chống lại nạn Diệt chủng các học viên Pháp Luân Công

Những buổi phỏng vấn của tôi với các nạn nhân rất nặng nề; câu chuyện của họ gợi nhớ lại sự bi thương lớn đến mức khiến tôi khó mà chịu đựng được khi nghe họ kể lại. Tuy nhiên, tôi rất cảm động trước đức tin kiên định và ý chí kêu gọi công lý của các học viên. Mong muốn lớn nhất của họ là người dân trên toàn thế giới không còn bị đánh lừa bởi sự tuyên truyền của ĐCSTQ nữa, thay vào đó họ sẽ có nhận thức đầy đủ về sự tàn bạo của cuộc bức hại này.

Tôi không thể trì hoãn quyết định phải hành động, vì lúc đó có một loạt tình tiết cản trở việc truy tố ĐCSTQ về tội diệt chủng.

Những tình tiết này gồm có:

  1. Khả năng không thể đưa kẻ phạm tội ở Trung Quốc ra trước công lý (nguyên tắc lãnh thổ) bởi vì ĐCSTQ chính xác là kẻ nắm quyền lực và thực hiện việc kiểm soát nạn diệt chủng ở Trung Quốc.
  2. ĐCSTQ chưa ký Quy chế Rome do Tòa Án Hình Sự Quốc Tế (ICC) lập ra, khiến cho việc đưa những tội ác này ra trước ICC là điều không thể vì thẩm quyền của ICC không được công nhận.
  3. ĐCSTQ có quyền phủ quyết tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, khiến cho Liên Hiệp Quốc không thể có hành động cụ thể nào chống lại Trung Quốc. Chiếc tường bảo vệ ĐCSTQ này chỉ có thể và nên bị phá hủy bởi một thẩm quyền pháp lý toàn cầu, dựa trên Bộ luật của những quốc gia như Tây Ban Nha, đồng thời nó có thể đóng vai trò như chiếc loa phóng thanh cho cả thế giới biết sự thật về những tội ác khủng khiếp chống lại nhân loại này.

Điều duy nhất còn lại trong tôi là đi theo con tim mình và hành động.

Nhờ sự giúp đỡ và cộng tác của người đồng nghiệp, Tiến sỹ Terri Marsh, Giám đốc điều hành và Đối tác tố tụng cấp cao của Tổ chức Luật Nhân Quyền, cũng như các cuộc phỏng vấn với vô số học viên Pháp Luân Công và họ hàng của các học viên bị giết hoặc tra tấn ở Trung Quốc, tôi đã đệ đơn kiện ở Tây Ban Nha vào ngày 15/10/2003 chống lại Giang Trạch Dân, thủ phạm chính chịu trách nhiệm cho sự tàn bạo về tội ác diệt chủng và tra tấn này.

Trong thời gian lãnh đạo ĐCSTQ, Giang đã ban hành chỉ thị đối với các học viên Pháp Luân Công là: “Bôi nhọ danh dự, vắt kiệt tài chính, hủy hoại thân thể”. Cùng với việc kiện Giang, đơn kiện còn nêu tên La Cán, vốn là điều phối viên và là người điều hành Phòng 610, nơi điều hành cuộc đàn áp Pháp Luân Đại Pháp. Tôi gọi Phòng này là “Gestapo của Trung Quốc”, nhiệm vụ của nó chẳng có gì ngoài việc thực thi cho chính phủ những công việc đứng trên luật pháp và không bị kiểm soát nhằm xác định và giam giữ trái phép các học viên Pháp Luân Đại Pháp. Phòng 610 còn đóng vai trò chỉ đạo các trại lao động cưỡng bức, nơi các học viên bị tra tấn đến chết.

Một khía cạnh quan trọng của thảm kịch này là tất cả các công tác hậu cần cho cuộc đàn áp và tuyên truyền của bộ máy ĐCSTQ đòi hỏi một lượng lớn ngân sách quốc gia, mà số tiền này lại được đóng góp bởi người dân Trung Quốc rồi được sử dụng cho mục đích duy nhất là tiêu diệt một bộ phận lớn người dân của chính mình. Kiểu lãnh đạo gì mà lại đi tiêu diệt chính người dân của mình vậy? Liệu ĐCSTQ có xứng đáng là đại diện cho một quốc gia với 5.000 năm lịch sử, một quốc gia đang mang trên vai nỗi thống khổ của những công dân vô tội với ngọn cờ nhuộm đỏ máu của chính họ?

Việc tuyên truyền mạnh mẽ trên toàn quốc đã tạo nên sự căm ghét của chính phủ đối với Pháp Luân Đại Pháp, đồng thời nó cũng có ý định đẩy người dân Trung Quốc rời xa khỏi môn tu luyện từng rất phổ biến và được đón nhận rộng rãi này. Trước khi cuộc đàn áp diễn ra vào 20/07/1999, theo ước tính của chính phủ thì có tới 100 triệu người Trung Quốc đang nhận được lợi ích về tinh thần và sức khỏe thông qua môn tu luyện ôn hòa này. Ban đầu, các phương tiện truyền thông đã quảng bá về những lợi ích của môn tu luyện này đối với xã hội – rằng chính quyền đang tiết kiệm được hàng tỷ ngân sách dành cho chăm sóc sức khỏe – nhưng tình thế nhanh chóng lật ngược khi chính phủ đã dùng tất cả nguồn lực cho chiến dịch tiêu diệt môn này. Chiến lược diệt chủng bắt đầu bằng vô số những lời dối trá, phỉ báng và vu khống. ĐCSTQ tận dụng sức mạnh của toàn bộ phương tiện truyền thông – chủ yếu là các đài truyền hình, đài phát thanh, báo chí và kênh thông tấn của nhà nước — để thêu dệt vô số lời dối trá về Pháp Luân Đại Pháp.

Mục tiêu là tước đoạt lương tâm của người dân Trung Quốc, khiến cho cả quốc gia trở nên vô cảm trước lệnh cấm Pháp Luân Đại Pháp. Bằng cách này, một thông điệp rõ ràng đã được gửi đến người dân Trung Quốc, cảnh cáo dân chúng rằng có đức tin không phù hợp với ĐCSTQ thì sẽ nguy hiểm như thế nào.

Theo Ủy ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc và các Tổ chức phi chính phủ như Tổ chức Nhân Quyền và Ân Xá Quốc Tế, các vụ bắt giữ tùy tiện và trái phép ở Trung Quốc đang ngày càng gia tăng. Theo báo cáo, có hàng ngàn học viên Pháp Luân Đại Pháp bị giam giữ trong tù và các trại lao động cưỡng bức mà không có sự đảm bảo tư pháp nào, nơi mà trong nỗi kinh hoàng tột độ đang diễn ra những hình thức tra tấn không thể tưởng tượng nổi mà con người từng biết đến.

Cho đến giờ, tôi vẫn không thể diễn đạt bằng văn bản hoặc chia sẻ trước công chúng về nỗi đau khủng khiếp mà bao nhiêu ngàn người vô tội đang phải chịu đựng trong bóng tối của các trại lao động cưỡng bức tại Trung Quốc. Tôi cảm thấy tuyệt vọng tột cùng trước những lời khai của các nạn nhân. Tôi chỉ có thể thấy tiếc thương khi Dai Zhizhen ôm con gái Fadu trong vòng tay, kể cho tôi nghe câu chuyện chồng mình bị giết tàn bạo như thế nào; tôi chỉ có thể thấy tiếc thương khi trực tiếp nghe câu chuyện họa sỹ Zhang Cui Ying đã bị chịu đựng sự tra tấn về tinh thần và thể chất vì tu luyện Pháp Luân Đại Pháp; Tôi chỉ có thể thấy thương tiếc khi Zhao Ming, lúc đó là học sinh, mô tả chi tiết rằng anh buộc phải ngồi chồm hổm hơn 10 tiếng mỗi ngày với 2 gót nhấc lên, bị chích điện vào thân thể và bị cấm ngủ, rằng anh bị còng tay vào 1 chiếc ghế và bị lính canh đánh đập mỗi khi anh chợp mắt; hoặc học viên Pháp Luân Đại Pháp Chen Yin đã phải chịu nỗi ô nhục lớn nhất mà một phụ nữ có thể chịu, bị cưỡng bức cởi quần áo và bị ném vào xà lim nhốt tù nhân nam, nơi cô bị tấn công tình dục và bị dội nước lạnh trong nhiều ngày.

Theo sau vụ kiện ban đầu chống lại Giang và La Cán là các vụ kiện bổ sung ở Tây Ban Nha chống lại các lãnh đạo cấp cao của ĐCSTQ, những người trực tiếp liên quan đến cuộc đàn áp Pháp Luân Công, cụ thể là Giả Khánh Lâm (Jia Qinglin), Wu Wangzhen và Bộ trưởng Bộ thương mại lúc bấy giờ, Bạc Hy Lai (Bo Xilai). Bạc trước đây từng giữ chức Tỉnh trưởng tỉnh Liêu Ninh và Thị trưởng thành phố Đại Liên, và là người trực tiếp chịu trách nhiệm cho cuộc tàn sát đẫm máu nhất đối với các học viên Pháp Luân Đại Pháp ở các trại lao động cưỡng bức của tỉnh, y cũng là một trong những thủ phạm chính thu hoạch nội tạng sống của các học viên Pháp Luân Đại Pháp.

Tất cả vụ kiện đều tuân theo quy trình pháp lý phổ quát ở Tây Ban Nha và đã có nhiều cuộc điều tra đã được tiến hành, nhiều bằng chứng được đưa ra ánh sáng chứng minh cho sự khủng khiếp và thảm kịch của những hành động tà ác mà ĐCSTQ đã gây ra cho chính người dân của mình.

Tuy nhiên tôi vẫn chưa biết đến tội ác khủng khiếp nhất, nó là điều vô lương tâm đối với bất cứ một ai, điều khiến tôi không khỏi rùng mình và chấn động sâu sắc, đó là tội ác lớn nhất trong lịch sử nhân loại: thu hoạch và bán nội tạng của người đang sống. Ban đầu, tôi không tin nổi điều này, vì không một người nào lại có thể tà ác đến mức độ như vậy, nhưng đây lại là sự thật: Theo một chương trình do chính phủ hậu thuẫn, nội tạng đã được thu hoạch từ hàng ngàn học viên Pháp Luân Công khỏe mạnh và còn sống để chính phủ thu lợi nhuận.

Câu hỏi tôi đặt ra cho chính mình không còn là với danh nghĩa của một luật sư nữa mà là của một con người:

ĐCSTQ là loại ma quỷ gì mà lại tích cực thúc đẩy, phối hợp và thu lợi từ việc cưỡng bức lấy nội tạng hàng loạt từ chính người dân của mình?

Loại thực thể tà ác nào sau khi cưỡng bức thu hoạch nội tạng xong rồi lại thiêu xác để phi tang chứng cứ, chỉ để thu một khoản tiền lớn cho mỗi nội tạng thu hoạch được, lên tới $150.000 cho một lá gan hoặc một cặp thận?

Loại tư duy tội phạm nào, mà hiểm ác cùng cực, lại có khả năng lập ra và phát triển một tổ chức tham nhũng, có doanh thu hàng triệu đô la kiếm được từ việc giết hại hàng ngàn người và đã biến sự tàn bạo này thành lối sống của họ?

Sao mà họ có thể lãnh đạo đất nước Trung Quốc và đại diện cho người dân Trung Quốc, những người đang bị tra tấn, giết hại và bị cắt cơ thể thành từng mảnh rồi bán?

Cuối cùng thì tôi cũng đã hiểu được mức độ của thảm kịch này, của nỗi kinh hoàng tột cùng này. Đó chính là ĐCSTQ, kẻ đã bán cho thế giới phương Tây hình ảnh về tầng lớp trung lưu đang tăng vọt và một nền kinh tế thịnh vượng, nhưng lại che đậy sự thật rằng phần lớn sản phẩm của nó được làm ra bởi việc tra tấn hàng trăm nghìn người vô tội trong các trại lao động cưỡng bức – những tù nhân lương tâm bị tra tấn và ép làm việc liên tục 16 đến 18 tiếng mỗi ngày, để sản xuất ra những sản phẩm mà những người còn lại trên thế giới thụ hưởng.

Hoặc là cách mà khối tài sản hàng triệu đô la đã được tạo ra từ việc bán nội tạng của người sống dưới hình thức thương mại khủng khiếp và đáng ghê tởm nhất trong lịch sử mà nhân loại đã từng chứng kiến.

Tôi phát hiện rằng ý định thực sự của ĐCSTQ trong các nhà tù và trại lao động u ám của Trung Quốc chính là hủy hoại các giá trị tốt đẹp, cao quý của nhân loại như lòng vị tha, tình thương người.

Các báo cáo điều tra từ năm 2006 bởi 2 người Canada là luật sư David Kilgour và luật sư David Matas về việc thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc đã tiết lộ cho tôi thấy quy mô khổng lồ của nạn diệt chủng này.

Các buổi phỏng vấn của hai luật sư với các học viên từng bị bắt và bị cầm tù trong các trại lao động đều khẳng định rằng trong tù, họ là đối tượng bị kiểm tra sức khỏe và bị lấy máu xét nghiệm, với mục đích minh xác duy nhất là sát hại để lấy nội tạng. (Các học viên Pháp Luân Đại Pháp thường xuyên bị tra tấn, do vậy những xét nghiệm đó rõ ràng không phải để cải thiện sức khỏe cho họ).

Tại Châu Âu, nghị quyết về nạn thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc đã được Nghị viện Châu Âu thông qua vào ngày 12/12/2013 nhấn mạnh mối lo ngại của cộng đồng quốc tế về hành vi tàn bạo này. Nghị quyết yêu cầu các nước Châu Âu chú ý và lên án việc lạm dụng nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc. Nó cũng thúc giục Liên minh Châu Âu tiến hành một cuộc điều tra toàn diện để chấm dứt tội ác chống lại nhân loại này, đồng thời yêu cầu thả tất cả tù nhân lương tâm ở Trung Quốc, bao gồm cả các học viên Pháp Luân Công.

Chúng ta phải loại bỏ khỏi tâm trí mình bất cứ rào cản nào ngăn cản chúng ta xem những tội ác này là vấn đề của quốc gia, hoặc vấn đề nội bộ, hoặc chính trị của quốc gia khác. Đây chính xác là trò chơi mà những kẻ phạm tội diệt chủng muốn chúng ta tham gia. Họ muốn thế giới tin rằng chủ quyền quốc gia cao hơn phẩm giá và sinh mệnh của con người, cùng các quyền tự do phổ quát và luật pháp quốc tế.

Sáu mươi sáu năm sau khi ra đời, chúng ta nhớ đến Lời mở đầu trong Tuyên ngôn quốc tế về Nhân Quyền, đã được Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc thông qua ngày 10/12/1948, sau khi kết thúc Đệ nhị Thế chiến:

Xét rằng sự coi rẻ và khinh thường nhân quyền đã dẫn đến những hành động man rợ làm dấy động lương tâm của nhân loại, và sự ra đời của một thế giới mà con người được hưởng quyền tự do ngôn luận và tự do tín ngưỡng.”

Trái tim của tôi vỡ vụn khi đọc lời mở đầu này vì biết rằng một trong những quốc gia đã ký tên vào đây — cũng chính là một thành viên của Liên Hiệp Quốc và giữ quyền phủ quyết trong Hội Đồng Bảo An — dưới quyền lãnh đạo của ĐCSTQ, lại chính là kẻ chịu trách nhiệm cho việc giết hại hơn 80 triệu con người.

Khi đọc phần mở đầu này, tôi không thể không nhớ đến tất cả các nạn nhân đã phải gánh chịu sự tà ác của chế độ độc tài ĐCSTQ, những đứa trẻ vô tội, những người già và cả những người đàn ông và phụ nữ, những người mà, từ khi Đảng lên nắm quyền vào năm 1949, đã phải chịu tra tấn và bị giết hại chỉ vì tín ngưỡng của mình. Tôi cảm thấy vô cùng kinh hãi trước việc hàng triệu học viên Pháp Luân Công tại Trung Quốc, những người mà cuộc sống yên bình và hạnh phúc của họ đã và đang bị hủy hoại bởi tà Đảng này, mục đích của nó là hủy hoại chân, thiện và nhẫn, biến trái đất thành địa ngục trần gian.

Tôi tin rằng không có điều khoản nào được tuyên bố trong Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền được thực hiện, được bảo vệ hoặc đưa tin tại Trung Quốc dưới thời cai trị của ĐCSTQ. Tôi khẳng định rõ ràng tuyên bố này với bằng chứng của những người đã cố gắng đưa những kẻ lãnh đạo khét tiếng của ĐCSTQ ra trước công lý vì tội ác diệt chủng và tra tấn của chúng. Tôi khẳng định điều này với niềm tin chắc rằng nhân dân Trung Quốc đang phải chịu đựng chế độ độc tài to lớn nhất và khủng khiếp nhất trong lịch sử nhân loại.

Tất cả những lời sáo rỗng, tuyên truyền, dối trá và lừa dối mà ĐCSTQ sử dụng trong bang giao quốc tế đều có một mẫu số chung mỗi khi nhắc đến vấn đề nhân quyền: Các quan chức Trung Quốc nhấn mạnh rằng cách mà chính phủ TQ đối đãi với dân chúng của họ là vấn đề nội bộ, không phải là đề tài chính trị cần phải phân tích hay thảo luận với các nước có chủ quyền khác.

Đây là những lời bào chữa mà kẻ thủ phạm diệt chủng đưa ra trong cuộc họp với các nhà lãnh đạo phương Tây, những người lo sợ bị mất những thỏa thuận về kinh doanh, các hiệp định thương mại và những lợi ích kinh tế đi kèm với một mối quan hệ quốc tế ổn định.

Trước những áp lực mà các nhà lãnh đạo dân chủ phải đối mặt như thế, chỉ có những giá trị đạo đức và tâm hồn của nhân loại mới có thể chiến thắng và vạch trần sự thật. Câu hỏi đặt ra thật rõ ràng:

Liệu chúng ta có âm thầm chấp nhận và trở thành đồng lõa với những kẻ bị buộc tội diệt chủng để đổi lại những thỏa thuận kinh tế không? Chẳng phải điều đó sẽ khiến chúng ta phải chịu trách nhiệm cho nạn diệt chủng, tra tấn và tội ác thu hoạch nội tạng trên quy mô lớn hay sao?

Chúng ta có nên chấp nhận rằng nạn diệt chủng này chỉ là vấn đề chủ quyền đối với ĐCSTQ, một cơ quan vốn có thẩm quyền đối với người dân, chỉ đạo các công việc của nhà nước bằng cách thức chủ quyền?

Lẽ nào chúng ta đã quên những cam kết của mình trong Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền? Phải chăng con người đã trở thành những món hàng để cho các nhà lãnh đạo của họ có thể tùy ý quyết định?

“Luật pháp quốc tế không coi tra tấn là chức năng của một nguyên thủ quốc gia”, Lord Nicholls khẳng định vào ngày 25/11/1998 tại Thượng viện Anh trong quá trình dẫn độ Pinochet từ Tây Ban Nha sang Anh quốc. Chúng ta không được quên trò chơi quỷ quyệt của ĐCSTQ, đó là bóp méo sự thật và nhắm vào việc ngăn cản tất cả chúng ta tìm ra sự thật về tội ác vô nhân đạo nghiêm trọng nhất hiện nay đang diễn ra này.

Nạn diệt chủng tra tấn và giết người hàng loạt được thực hiện từ năm 1999 này rõ ràng là cho dù dưới bất kỳ hoàn cảnh nào, không thể được xem như chỉ là một vấn đề chính trị, vấn đề chủ quyền của quốc gia, và chắc chắn không phải, như ĐCSTQ muốn chúng ta tin, là một vấn đề nội bộ. Chúng ta đang nói về tội ác ghê tởm nhất chống lại loài người, cuộc bức hại 100 triệu người, và trước những tội ác này, chúng ta không thể thoả hiệp. Chúng ta chỉ có sự can đảm để nói với chế độ độc tài Cộng sản Trung Quốc rằng con người không phải là một món hàng, họ không phải đơn giản là những miếng thịt để cắt ra và bán cho người trả giá cao nhất.

Các thể chế và tổ chức quốc tế, các chính phủ và nghị viện dân chủ chỉ là những nhóm người đưa ra quyết định; họ có cảm xúc, quan điểm và giá trị, họ là những người có trái tim có thể thay đổi thực trạng thế giới của chúng ta. Điều này thật đơn giản: phá vỡ sự im lặng về nạn diệt chủng sẽ cứu lấy nhân loại.

Qua những trang sách này, tôi muốn kêu gọi các cá nhân, không phải các thể chế, không phải địa vị hay cấp bậc, không phải các tổ chức, mà là trái tim của mỗi người có trách nhiệm với người dân ở mỗi quốc gia và trên toàn cầu. Quý vị là những người có thể ngăn chặn hành vi tàn bạo khủng khiếp này và có thể dùng lương tâm của mình để truyền tải sự thật đang diễn ra tại Trung Quốc dưới chế độ độc tài của ĐCSTQ. Nỗi thống khổ của các nạn nhân này không chỉ xuất phát từ sự tra tấn về thể xác hay tinh thần, mà còn từ sự bất lực do thiếu hiểu biết. Do vậy, điều cần thiết là truyền đạt sự thật đến mọi người trên toàn cầu, chia sẻ kiến thức và đảm bảo rằng tất cả mọi người đều biết được những hành động khủng khiếp chống lại loài người này.

Đây là tội ác chống lại loài người nghiêm trọng nhất. Sự thờ ơ và im lặng của chúng ta trước những tội ác này đã cho phép những kẻ hành ác tiếp tục mà không chút e dè. Chẳng phải chúng ta đang cho phép những tội ác này tồn tại sao? Chẳng phải chúng ta đang truyền đạt thông điệp rằng những tội ác ghê tởm này đang diễn ra mà không có bất kỳ hậu quả gì? Chẳng phải chúng ta đang khuyến khích những thủ phạm diệt chủng và tra tấn mới xuất hiện, bởi vì những tội ác này không hề bị trừng trị?

Tất cả chúng ta, đặc biệt là những người có trách nhiệm trước công chúng, nên nhận ra những hạn chế của mình trên trái đất này – cơ hội và thời gian hành động của chúng ta là có hạn. Chúng ta phải nắm lấy thời điểm này, xem xét các lựa chọn và những gì chúng ta đã và chưa làm để bảo đảm một thế giới tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người. Lịch sử sẽ phán xét cách chúng ta phản ứng, hoặc không phản ứng trước hoàn cảnh hiện tại.

Kết luận

Sẽ đến một ngày những người Trung Hoa cao quý, khởi nguồn từ nền văn minh và văn hóa huy hoàng nhất của nhân loại, sẽ khai nở trở lại, bỏ lại đằng sau nỗi kinh hoàng về sự tàn bạo và hèn nhát của ĐCSTQ. Sẽ đến một ngày khi công lý được thực thi cho Pháp Luân Đại Pháp và cho những nguyên lý kiên định không thể phá hủy bởi sự tà ác của Đảng. Sẽ đến một ngày mà sự hòa hợp trở lại cho toàn thể nhân dân Trung Quốc, họ sẽ lấy lại nền văn hóa 5.000 năm, công lý và sự thật sẽ trở lại trong con tim của những người tốt bụng này. Chúng ta chỉ cần bảo đảm rằng chúng ta là một phần của những sự kiện quan trọng này và chúng ta đã đứng về phía chính diện của lịch sử.