Một Cuộc Bức Hại Tà Ác Chưa Từng Có: Nền kinh tế chủ nghĩa tư bản “đỏ” độc hại của Đảng Cộng sản Trung Quốc

Chương 11:

Nền kinh tế chủ nghĩa tư bản “đỏ” độc hại của Đảng Cộng sản Trung Quốc

Wu Huilin (Ngô Huệ Lâm)

Một “Xã Hội Hài Hòa” là một xã hội ngập tràn hạnh phúc. Ngay cả những người lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cũng biết điều đó. Vì vậy, tạo ra một xã hội hài hòa là mục tiêu chung của các nhà hoạch định chính sách. Vậy, chính xác một xã hội hài hòa là gì?

Ý nghĩa thực sự của một xã hội hài hòa

Từ “hài hòa” trong tiếng Trung được viết là “和諧”. Ký tự “和” bao gồm ký tự chỉ thực phẩm “禾” và miệng “口,” ngụ ý rằng mỗi khuôn miệng đều có sẵn thức ăn. Chữ “諧” bao gồm ký tự chỉ lời nói “言” và tất cả “皆,” ngụ ý rằng mọi người đều có quyền tự do ngôn luận. Để mọi người có đủ lương thực, cần phải thực hiện “nền kinh tế tự do, kinh tế tư hữu hoặc kinh tế thị trường”. Để người dân có quyền tự do ngôn luận thì điều kiện tiên quyết là phải có một “hệ thống dân chủ tự do”.

Sau gần 100 năm của chủ nghĩa cộng sản, chúng ta không có bằng chứng nào cho thấy hệ thống chính quyền này đã góp phần tạo nên xã hội hài hòa và sẽ tiến tới “tự do kinh tế” và “tự do chính trị”. Câu hỏi tiếp theo là: chúng ta cần triển khai cả hai cùng một lúc hay lần lượt? Vì triển khai cùng lúc sẽ gây ra tổn thất trong thời gian ngắn nên triển khai lần lượt được áp dụng thường xuyên hơn. Vậy thì nên thực hiện cái nào trước: “tự do kinh tế” hay “tự do chính trị?” Xét cho cùng, việc tạo ra của cải vật chất là một triển vọng đơn giản và dễ quản lý hơn nhiều so với phát triển các chương trình nhằm nâng cao và duy trì nhân quyền. Vì vậy, nhiều chính phủ có xu hướng thực hiện tự do kinh tế trước rồi mới thực hiện dân chủ. Tuy nhiên, việc lựa chọn mở rộng kinh tế có rất ít tác dụng trong việc củng cố một xã hội hài hòa, do đó tiến độ có xu hướng chậm chạp. Tất nhiên, ĐCSTQ đi theo mô hình “nền kinh tế trên hết,” vì vậy nền dân chủ thấp kém hơn nhiều so với những gì người ta mong đợi ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Thế giới không thiếu những trường hợp thành công như Đài Loan và Chile.

Ai cũng biết rằng bằng việc thực hiện chính sách “phân cấp quyền lực và chuyển giao lợi nhuận” vào cuối năm 1978, Thủ tướng Trung Quốc lúc đó là Đặng Tiểu Bình, cùng với nhà lãnh đạo Liên Xô và nhiều nước Đông Âu, đã cố gắng chuyển hóa tài sản nhà nước thành sở hữu tư nhân. Lúc đầu, chính sách này đã thành công và ông Triệu Tử Dương, người nắm quyền thứ ba của Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của ĐCSTQ, mới là người thực sự ngồi sau tay lái. Trước khi thăng tiến lên giữ vai trò Thủ tướng của Đảng, ông Triệu là Bí thư Tỉnh ủy Tứ Xuyên vào năm 1975. Vào thời điểm đó, cuộc sống ở các làng quê Trung Quốc khá nghèo khó do Cách mạng Văn hóa. Do vậy, ông Triệu áp dụng chính sách “hạn chế lỏng lẻo,” cho phép nông dân tự do trồng cây thương mại, đổi mới chính sách cho phép hộ gia đình sản xuất phụ và có đất riêng để trồng trọt cho nhu cầu tiêu thụ, từ đó đẩy mạnh chính sách cải cách “tư nhân hóa định mức sản lượng nông nghiệp cho từng hộ gia đình”. Nông dân, được khuyến khích bởi chính sách này, đã làm việc chăm chỉ và tỉnh Tứ Xuyên có nhiều năm mùa màng bội thu. Vì những cải cách kinh tế thành công, ông Triệu được ông Đặng Tiểu Bình và các nhà lãnh đạo khác công nhận, sau đó ông được bổ nhiệm làm Thủ tướng vào đầu những năm 1980.

Cùng với Tổng Bí thư Đảng Cộng sản lúc bấy giờ là Hồ Diệu Bang, người cũng nổi tiếng với phong cách tự do, cả hai đã thành lập “Hệ thống Hồ-Triệu” dưới sự lãnh đạo của ông Đặng, và đẩy mạnh các chương trình nghị sự về cải cách kinh tế và chính trị. Nói chung, ông Triệu chịu trách nhiệm cải cách kinh tế và áp dụng những gì học được từ thành tựu ở Tứ Xuyên cho cả nước.

Vấn đề nan giải trong cải cách kinh tế của ông Triệu Tử Dương

Nói tóm lại, cuộc cải cách của ông Triệu nhằm đạt được tư nhân hóa. Tuy nhiên, quá trình này rõ ràng là không hề nhanh chóng và dễ dàng. Ông Triệu phải lựa chọn: hoặc đẩy mạnh chương trình nghị sự tư tưởng của các cơ quan công quyền và của Đảng, hoặc chống lại áp lực của chính quyền và đáp ứng nhu cầu của người dân. Ngoài ra, bất chấp những thành tựu gần đây ở Tứ Xuyên, với kinh nghiệm hạn chế của mình– ông chỉ học hết trung học và chưa bao giờ sống vượt quá ranh giới của một nhà nước cộng sản – ông khiến mọi người nghi ngờ về khả năng hoàn thành một nhiệm vụ to lớn như vậy. Tuy nhiên, chiều ngày 19/09/1988, sau một thập niên cải cách kinh tế ở Trung Quốc, ông đã có cuộc trò chuyện kéo dài hai tiếng với nhà kinh tế học Milton Friedman theo chủ nghĩa tự do và đoạt giải Nobel (1912-2006) về chủ đề “vấn đề cải cách kinh tế ở Trung Quốc”. Thật đáng ngạc nhiên khi biết rằng sau cuộc trò chuyện, nhà kinh tế học nổi tiếng người Trung Quốc Steve Cheung nhận xét rằng cả ông Triệu và Friedman đều có chung quan điểm.

Nhận xét của ông Cheung được minh họa trong “bức thư Giáng sinh,” lá thư duy nhất được ông Friedman và vợ viết cho một trong những người thân của họ trong hơn một thập niên. Trong bức thư này, ông Friedman mô tả ông Triệu như sau: “Chúng tôi rất ấn tượng với trí tuệ và khả năng lãnh đạo của ông Triệu trong việc đưa Trung Quốc sang một nền kinh tế theo định hướng thị trường hơn. Ông có hiểu biết sâu sắc về các vấn đề kinh tế, quyết tâm mở rộng thị trường và sẵn sàng thử sức, học hỏi. Ông ấy khiêm tốn và chân thành lắng nghe lời khuyên và nhận xét từ người khác. Đồng thời, ông cũng bảo vệ quyền lực cao nhất của ĐCSTQ. Nếu muốn thành công, điều này đòi hỏi những chiến thuật rất tinh tế. Hiện tại, ông ấy đang phải đối mặt với một số vấn đề thực sự, chủ yếu là việc lạm phát gia tăng sẽ làm chậm tốc độ cải cách kinh tế”.

Theo đó, cải cách kinh tế của ông Triệu quả thực có hiệu quả ngay từ giai đoạn đầu. Tuy nhiên, vì mục tiêu bảo vệ quyền lực cao nhất của ĐCSTQ mâu thuẫn với mục tiêu mở rộng thị trường, không thể tránh khỏi việc ông phải đối mặt với một tình thế tiến thoái lưỡng nan nghiêm trọng. Ngoài ra, ông Cheung lo rằng cải cách kinh tế sẽ đưa Trung Quốc tới “sự quản lý phân tầng (Classified Management)” giống như Ấn Độ vốn xảy ra trong giai đoạn đầu của cải cách. Đúng như dự đoán, cuộc cải cách đã kết thúc theo hướng này. Mặc dù ông Triệu bị quản thúc tại gia sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989, cách tiếp cận cải cách kinh tế tiến bộ kết hợp với việc duy trì quyền lực cao nhất của ĐCSTQ vẫn được Đảng tuân theo. Kết quả là, những xung đột cuối cùng đã xảy ra và tình trạng “tham nhũng thể chế” và “lời nguyền cho kẻ đến sau” xuất hiện rõ ràng ở Trung Quốc.

Ngày “04/06/1989” và ngày “25/04/1999”: Hai bước ngoặt của dân chủ hóa ở Trung Quốc

“Vụ thảm sát sinh viên ngày 04/06” năm 1989 là bước ngoặt cho quá trình chuyển đổi sang dân chủ của Trung Quốc. Thật không may, ông Triệu, người tin tưởng chắc chắn vào cuộc cải cách nội bộ của ĐCSTQ, đã không dám thách thức cuộc đàn áp sinh viên do các nhà lãnh đạo như Đặng Tiểu Bình, Lý Bằng và Giang Trạch Dân dàn dựng. Thay vào đó, với đôi mắt đẫm lệ, ông thuyết phục các sinh viên trên Quảng trường Thiên An Môn ngừng biểu tình. Ngay sau đó, xe tăng quân đội không chút do dự tiến vào, để lại những thi thể đẫm máu của những sinh viên vô tội. Ông Triệu sau đó bị thanh trừng và quản thúc tại gia. Những nỗ lực dân chủ hóa ở Trung Quốc đã kết thúc vô ích.

“Sự kiện ngày 04/06” đã làm cho toàn thế giới phẫn nộ, nhiều quốc gia đã trừng phạt kinh tế Trung Quốc. Nền kinh tế đất nước vốn đã bế tắc vì thất bại tiền tệ, nay lại lao dốc đến mức nguy hiểm. Do kinh tế bị trì trệ, tỷ lệ thất nghiệp không ngừng gia tăng và tình trạng bất ổn xã hội tiếp tục leo thang.

Năm 1992, môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Công (còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp) đã được giới thiệu ra công chúng. Với các bài tập nhẹ nhàng dễ học và nhấn mạnh vào việc nâng cao đạo đức, môn tu luyện này đã thu hút 100 triệu người theo học chỉ trong vòng vài năm ngắn ngủi. Pháp Luân Đại Pháp, một môn khí công cổ xưa, dạy các học viên trước tiên phải hướng nội khi gặp mâu thuẫn và thực hành nguyên lý Chân, Thiện, và Nhẫn để chuyển hận thù thành hòa hợp.

Thời điểm đó, cứ 12 người Trung Quốc thì có một người cải thiện bản thân thông qua Pháp Luân Đại Pháp, và nhiều vấn đề xã hội trên khắp đất nước, chủ yếu do thất nghiệp, đã dễ dàng được giải quyết. Trong một vài năm, chính phủ Trung Quốc đã ca ngợi những lợi ích của Pháp Luân Đại Pháp trong việc cải thiện sức khỏe xã hội, nhưng quan điểm của họ dần trở nên thù địch hơn trước cuộc đàn áp chính thức vào ngày 20/07/1999.

Ngày 25/04/1999, khoảng 10,000 học viên Pháp Luân Đại Pháp từ khắp Trung Quốc đã tập trung tại Trung Nam Hải, khu phức hợp chính phủ ở Bắc Kinh, để thỉnh nguyện lên chính quyền trung ương đòi công lý cho các học viên Pháp Luân Đại Pháp bị giam giữ và sự phỉ báng mà môn tu luyện phải chịu đựng vào thời điểm đó. Với tư duy bình hòa và cách hành xử tôn trọng, họ đưa ra lời kêu gọi ôn hòa và tĩnh lặng chưa từng có trong lịch sử Trung Quốc.

Thủ tướng lúc bấy giờ là Chu Dung Cơ đã gặp các đại diện Pháp Luân Đại Pháp trong cuộc biểu tình và đã có lời phản hồi hợp lý cho những khiếu nại trên. Sau đó, các học viên rời đi một cách trật tự mà không để lại một mảnh rác nào ở địa điểm tập trung.

CNN và mọi phương tiện truyền thông nước ngoài có mặt tại hiện trường đều choáng ngợp trước thái độ ôn hòa của các học viên và hết lời khen ngợi nỗ lực của họ. Các nhà báo đưa tin rằng đây là nhóm biểu tình lớn nhất ở Trung Quốc kể từ cuộc biểu tình của sinh viên năm 1989 và công nhận cuộc tụ tập này là thời điểm then chốt trong việc đẩy mạnh hơn nữa nền dân chủ ở Trung Quốc. Lãnh đạo của nhiều chính phủ nước ngoài và người làm trong lĩnh vực pháp lý và chính trị cũng coi cuộc biểu tình là hình mẫu cho cách cư xử của Trung Quốc đối với người dân của mình; cơ hội thứ hai cho cuộc cải cách của ĐCSTQ theo hướng dân chủ tự do. Tuy nhiên, những diễn biến sau đó khiến cộng đồng quốc tế vô cùng thất vọng.

Việc đàn áp Pháp Luân Công gây ra thảm họa nghiêm trọng

Ba tháng sau cuộc thỉnh nguyện ôn hòa ngày 25/04, ĐCSTQ đã khởi xướng “cuộc đàn áp đẫm máu chống lại Pháp Luân Công” vào ngày 20/07/1999, phá hoại mọi khả năng xây dựng một xã hội hòa hợp. Để bức hại các học viên Pháp Luân Công, ĐCSTQ thành lập Phòng 610 và chi rất nhiều tiền để buộc cảnh sát và toàn thể người dân Trung Quốc tố cáo các học viên. Các học viên Pháp Luân Công bị bắt, bỏ tù, tra tấn và bị cưỡng bức thu hoạch nội tạng. Ngoài ra, để che đậy sự thật về cuộc đàn áp đẫm máu, ĐCSTQ không chỉ theo dõi truyền thông và xây dựng đội quân mạng hùng mạnh để bôi nhọ và vu khống Pháp Luân Công mà còn đưa ra những khoản hối lộ kinh tế để đổi lấy sự im lặng của các chính trị gia Tây phương. Để có nguồn lực dồi dào cần thiết cho cuộc đàn áp, ĐCSTQ phải duy trì mức tăng trưởng GDP cao với chi phí sản xuất tối thiểu.

Hậu quả của những hành vi sai trái của chính phủ bao gồm:

  1. Sự gia tăng các trại cưỡng bức lao động trên khắp Trung Quốc.
  2. Hàng tiêu dùng giá rẻ góp phần gây ra tình trạng giảm phát toàn cầu.
  3. Việc sản xuất của Trung Quốc tiêu thụ đáng kể tài nguyên thiên nhiên, làm tăng giá điện và các tài nguyên khác, dẫn đến “lạm phát nhập khẩu”.
  4. Lạm phát trong nước và quốc tế, do giá xuất khẩu hàng hóa Trung Quốc giảm khiến chính phủ thu được lượng ngoại hối khổng lồ; tình trạng suy thoái như vậy cũng tạo ra bong bóng tiền tệ với rủi ro tài chính bị thao túng, có thể gây ra thảm họa tài chính toàn cầu.
  5. Sự xuất hiện của khủng hoảng môi trường, ô nhiễm không khí và khói mù độc hại khi tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt.
  6. Các sản phẩm chất lượng thấp, thậm chí có độc được bán tại địa phương và xuất khẩu ra nước ngoài, dẫn đến bệnh tật, thương tích và thậm chí tử vong.
  7. Nhân quyền bị bỏ qua khi các nhà hoạch định chính sách nước ngoài cố tình phớt lờ bởi các khuyến khích tài chính của Trung Quốc.
  8. Xã hội Trung Quốc ngày càng suy đồi khi đạo đức suy thoái và con người bị dẫn dắt bởi lòng tham và ham muốn tư lợi.

Tác động tiêu cực của sự tăng trưởng nhanh chóng tại Trung Quốc khiến các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực khác nhau cảm thấy lo ngại sâu sắc kể từ đầu thiên niên kỷ mới. Bỏ qua tính xác thực của những số liệu kinh tế này, tốc độ tăng trưởng cao ngất ngưởng tại một quốc gia toàn trị có được là từ tiêu thụ và lãng phí tài nguyên thiên nhiên. Ông Paul Krugman, người nhận giải Nobel về khoa học kinh tế năm 2008, đã chỉ rõ trong bài viết “Huyền thoại về sự kỳ diệu của Á Châu” do tập san Ngoại giao xuất bản năm 1994 như sau: tăng trưởng kinh tế nhanh chóng ở các nước cộng sản dựa trên sự gia tăng đầu vào hơn là sản lượng trên mỗi đơn vị đầu vào. Những hành động như vậy cuối cùng dẫn đến lợi nhuận giảm dần và tăng trưởng chậm lại trên quy mô lớn. Do đó, kể từ năm 2000, sự phát triển kinh tế ở Trung Quốc được mô tả là “bề ngoài hùng mạnh nhưng bên trong yếu nhược,” “một lâu đài trên không,” “nội thất mục nát bên dưới vẻ ngoài hào nhoáng” và “sắp sụp đổ”.

Ai cũng biết ĐCSTQ rất giỏi trong việc thao túng nguồn nhân lực. Khi chính phủ theo đuổi mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong thời gian ngắn, công nhân Trung Quốc bị bóc lột và lương của họ bị cắt giảm. Hậu quả là xuất hiện tình trạng “giảm phát” trên toàn thế giới (sản xuất thừa, giá thấp và chất lượng kém). Các nước khác, do không hài lòng với chiến thuật của Trung Quốc, đã có hành động tẩy chay, trả đũa, thậm chí bạo loạn chống lại ĐCSTQ. Một ví dụ là vụ đốt giày Trung Quốc một cách giận dữ ở Tây Ban Nha vào tháng 09/2004.

Hàng giả và hàng giá rẻ đang đầu độc người dân

Một nông dân mua những hạt lúa mập mạp về trồng. Tuy nhiên, không có gì mọc lên từ những hạt giống đó vì chúng là giả. Người nông dân tức giận đã cố gắng tự sát bằng cách uống thuốc độc. Nhưng ông không chết do chất độc là giả. Vợ ông mua rượu để chúc mừng việc ông may mắn sống sót. Tuy nhiên, cả hai đều mất mạng vì rượu có độc.”

Đây là câu chuyện cười lan tràn trên mạng xã hội…. Tất nhiên, việc Trung Quốc ngược đãi nguồn nhân lực và sản phẩm rẻ tiền, khiếm khuyết không phải là chuyện đùa. Các quốc gia có nền kinh tế hùng mạnh trên khắp thế giới, bao gồm cả Mỹ, cũng đang bị đe dọa bởi hàng hóa giá rẻ sản xuất tại Trung Quốc. Trong Tập san Quan điểm Kinh tế tháng 09/2004, ông P. A. Samuelson (1915-2009), người nhận giải Nobel về Khoa học Kinh tế năm 1970, đã đặt ra thuật ngữ “sự dối trá luận chiến” để tố cáo việc sản xuất thuê ngoài (outsourcing production), được công nhận rộng rãi vào thời điểm đó là một lựa chọn hữu ích trong đẩy mạnh tăng trưởng. Ông lưu ý rằng hàng hóa giá rẻ như “giày sản xuất tại Trung Quốc” là kết quả của việc thuê ngoài và tác động tiêu cực đến việc làm của người lao động cấp thấp ở Mỹ.

Có thể hiểu được nếu người lao động Trung Quốc, với ý chí tự do và sự đồng ý có hiểu biết, tự nguyện thỏa hiệp phúc lợi của mình để lao động trong điều kiện làm việc tồi tàn và nhận được mức lương thấp. Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc là một chế độ độc tài không được cai trị bằng pháp luật mà bằng đường lối của đảng. Phần lớn công nhân không có lựa chọn nào khác ngoài việc bị bóc lột. Ví dụ, Công ty Thực phẩm Nông nghiệp Lan Châu Chính Lâm, do các doanh nghiệp Đài Loan thành lập và tài trợ vào năm 1992, đã xuất khẩu “hạt dưa lớn được chọn lọc thủ công loại AAA đặc biệt” sang nhiều nước. Hạt dưa được sản xuất bởi khoảng mười nghìn người bị giam giữ, bị buộc phải bẻ hạt bằng răng và mở chúng bằng tay không. Những người bị giam giữ không được trả tiền. Vào mùa đông, bàn tay của họ bị đơ do bỏng lạnh và bị ghẻ. Khi họ lao động mà không được chăm sóc y tế, máu từ tay họ chảy xuống hạt dưa. Răng và móng tay của họ đã bị phá hủy (EpochTimes đưa tin ngày 13/09/2004).

Sau các báo cáo về lốp xe, kem đánh răng và xe lửa đồ chơi bị lỗi do Trung Quốc sản xuất, một báo cáo của hãng thông tấn New York Times ngày 29/06/2007 đã liệt kê 5 loại hải sản (cá da trơn, cá vược, tôm, cá đác và lươn) được phát hiện có chứa kháng sinh có hại và được Hoa Kỳ đưa vào danh sách hàng hóa độc hại. Điều đáng chú ý là những báo cáo này không phải là sự cố cá biệt mà tiếp tục xuất hiện trên toàn cầu, hết vụ này đến vụ khác. Nhiều báo cáo từ phương tiện truyền thông Tây phương đã nhận xét rằng Trung Quốc, với tư cách là công xưởng sản xuất của thế giới, gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe toàn cầu.

Khi nào thảm họa cạn kiệt tài nguyên toàn cầu sẽ kết thúc?

Trước khi công chúng biết đến các sản phẩm độc hại của Trung Quốc, nền kinh tế mới nổi thuộc chính phủ này đã nhận được lời khen ngợi tích cực từ hầu hết mọi nơi trên thế giới. Một số cảnh báo đã xuất hiện nhưng bị bỏ qua. Tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc càng tăng thì thị trường trong nước và quốc tế càng tiêu thụ nhiều; chính phủ bảo đảm đáp ứng nhu cầu bất kể hậu quả về môi trường hay con người. Bất bình đẳng xã hội và đau khổ trong xã hội Trung Quốc – những vấn đề từng bị cộng đồng quốc tế che giấu ngày càng trở nên nghiêm trọng và rõ ràng một cách trắng trợn khi các báo cáo về lao động nô lệ xuất hiện và sự chênh lệch giàu nghèo ngày càng cực đoan. ĐCSTQ đã dùng quyền lực tài chính như một phương tiện ép buộc và xúi giục để đổi lấy các sản phẩm công nghệ tiên tiến, buộc một số công ty như Yahoo! trợ giúp tiến hành giám sát trong nước. Kết quả là tự do ngôn luận, nhân quyền và tự do chính trị ở Trung Quốc ngày càng trở nên tồi tệ. Hơn nữa, việc ĐCSTQ hối lộ để bịt miệng các chính trị gia nước ngoài đã khiến toàn bộ cộng đồng quốc tế im lặng trước những hành vi vi phạm nhân quyền. Một số thậm chí trở thành đồng phạm.

Tác động của sự tăng trưởng nhanh chóng của Trung Quốc đối với môi trường và tài nguyên thiên nhiên toàn cầu đã thu hút sự chú ý từ khắp nơi trên thế giới. Một báo cáo của tổ chức Greenpeace ngày 19/10/2005 cho thấy Trung Quốc trở thành quốc gia góp phần lớn nhất vào việc tàn phá rừng nhiệt đới: “Gần năm trong số mười khúc gỗ cứng nhiệt đới” từ các khu rừng nhiệt đới bị đe dọa trên thế giới đã được chuyển đến Trung Quốc trong năm đó. Ngoài việc gây ra nạn phá rừng toàn cầu, nhu cầu về ngũ cốc, thịt, sắt và than của Trung Quốc còn vượt quá nhu cầu của Mỹ, khiến Trung Quốc trở thành nước tiêu dùng lớn nhất thế giới. Điều này sẽ không kết thúc cho đến khi chúng ta nhanh chóng thay đổi phương thức phát triển ở Trung Quốc. Nếu không làm như vậy, những thảm họa trên thế giới sẽ ngày càng lan rộng và tàn khốc.

Ngoài ngành xuất khẩu, cơ sở hạ tầng quy mô lớn (tức các dự án xây dựng) trên khắp Trung Quốc còn tiêu thụ lượng tài nguyên lớn hơn. Những dự án này là phương tiện gây ra xung đột—và có khả năng dẫn đến tham nhũng—giữa khu vực công và tư nhân. Trong khi Trung Quốc tiến hành các dự án lớn để xây dựng GDP, sự dư thừa về cung và đầu tư cũng như sự thiếu hụt về nhu cầu to lớn trong các hoạt động đã tạo ra vấn đề nghiêm trọng chắc chắn góp phần gây ra khoản nợ khổng lồ không thể chi trả và các tòa nhà không người ở.

Bằng cách phát triển nền kinh tế dựa trên tiêu tốn các nguồn tài nguyên quý giá, ĐCSTQ đã đưa thế giới đến điểm nguy kịch. Thực tế trần trụi về lợi nhuận giảm dần đã xảy ra sau cuộc cạnh tranh giành tài nguyên giữa Trung Quốc và các nước khác. Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ giảm sâu trong thời gian tới, điều này gây ra tổn hại cho cả người dân Trung Quốc và phần còn lại của thế giới. Do đó, vì lợi ích của toàn thể nhân loại, chúng tôi chân thành hy vọng vào sự thay đổi ngay lập tức mô hình phát triển kinh tế của Trung Quốc. Chỉ nhờ dân chủ, tự do và thị trường mở, chúng ta mới có thể được cứu.

Tóm lại, ĐCSTQ phải tan rã, chủ nghĩa tư bản đỏ của Trung Quốc phải chuyển thành nền kinh tế thị trường thuần túy, và Trung Quốc phải trở thành quốc gia dân chủ. Nếu không, thảm họa của con người sẽ leo thang và sự tàn phá xã hội dân sự là điều không thể tránh khỏi.