Chương 6:
Dồn nỗ lực của toàn bộ quốc gia vào cuộc bức hại
Zhang Tianliang (Chương Thiên Lượng)
Ngày 29/07/2014, Tân Hoa Xã, cơ quan tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đã đăng một bản tin vắn tắt chắc chắn sẽ thu hút sự chú ý của thế giới như sau: ông Chu Vĩnh Khang, nguyên Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị kiêm Bí thư Ủy ban Chính Trị và Pháp Luật Trung ương Trung Quốc đang bị điều tra vì vi phạm kỷ luật nghiêm trọng. Ông Chu là quan chức cấp cao nhất bị điều tra về tội tham nhũng kể từ khi ĐCSTQ đặt nền móng cho chế độ cộng sản cách đây 60 năm,
Kỳ thực, cáo buộc “tham nhũng” chỉ là vỏ bọc. Lý do thực sự là ông Chu Vĩnh Khang, ông Bạc Hy Lai và các đồng minh, dưới sự hỗ trợ của hai ông Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng, đã lên kế hoạch đảo chính để lật đổ Chủ tịch Tập Cận Bình(1) và thay thế ông Tập bằng ông Bạc Hy Lai. Vì vậy, ông Tập Cận Bình không còn cách nào khác ngoài việc loại bỏ ông Chu, ông Bạc và thậm chí cả những người ủng hộ ở sân sau.
Nguyên nhân thực sự của cuộc đảo chính xuất phát từ việc hơn một thập niên trước, ông Giang và phe cánh của ông ta đã dồn toàn bộ nguồn lực đất nước vào cuộc đàn áp Pháp Luân Công, gây ra món nợ máu làm rung chuyển trời đất. Cách duy nhất để trốn tránh việc bị phơi bày là nắm chặt quyền lực và duy trì chính sách đàn áp; Ông Bạc Hy Lai là người được cân nhắc kỹ càng để hoàn thành nhiệm vụ này.
ĐCSTQ, sau khi thiết lập chính quyền của mình, đã bức hại các quân nhân của Trung Quốc Quốc Dân Đảng, thành viên của nhiều tổ chức tôn giáo và dân sự, các chủ sở hữu tài sản ở nông thôn và thành thị, cũng như các nạn nhân bị nhắm đến trong thời kỳ “Cách mạng Văn hóa” kéo dài hàng thập niên. Điều này đã làm người dân Trung Quốc trở nên mẫn cảm với khả năng tàn bạo của ĐCSTQ. Tương tự như vậy, “Sự kiện Lục Tứ,” hay còn được gọi là “Vụ thảm sát Quảng trường Thiên An Môn,” theo góc nhìn của thế giới, đã cho thấy quyết tâm của ĐCSTQ trong các chiến thuật đàn áp của nó. Do đó, trước cuộc phản kháng bất bạo động và bền bỉ trên quy mô lớn của Pháp Luân Công, chúng ta có thể từ bối cảnh lịch sử mà đoán được mức độ độc ác và nặng nề của cuộc bức hại của ĐCSTQ.
Cựu Tổng Bí thư ĐCSTQ Giang Trạch Dân đã thay đổi phương châm “tập trung mọi nguồn lực và nỗ lực vào phát triển kinh tế” của người tiền nhiệm Đặng Tiểu Bình thành “tập trung mọi nguồn lực và nỗ lực vào đàn áp Pháp Luân Công,” đồng thời chuyển đổi cơ cấu chính quyền quốc gia để thực hiện chính sách như vậy. Bài viết này sẽ xem xét mức độ nghiêm trọng của cuộc đàn áp Pháp Luân Công từ góc độ này.
Cuộc phản bức hại bền bỉ, quy mô lớn, bất bạo động đầu tiên trong lịch sử ĐCSTQ
Trong lịch sử, Đảng Cộng sản chưa bao giờ mất quá ba ngày để trấn áp hoàn toàn một nhóm người hoặc một cá nhân nào đó. Vì vậy, Giang Trạch Dân tin chắc ông sẽ chỉ mất không quá ba tháng để tiêu diệt Pháp Luân Công. Tuy nhiên, ông đã vấp phải sự phản kháng ôn hòa và bền bỉ của các học viên Pháp Luân Công. Sự phản kháng này có ba đặc điểm chính: bền bỉ, quy mô lớn và bất bạo động.
Cuộc bức hại của ĐCSTQ đã kéo dài hơn 15 năm. Ngay từ đầu, các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc đại lục đã bước ra dán tờ rơi, phân phát đĩa CD, treo biểu ngữ, phân phát Cửu Bình (chín bài bình luận về ĐCSTQ). Họ bị cầm tù và tra tấn dưới bàn tay của ĐCSTQ. Tuy nhiên, bất chấp các hình phạt, họ vẫn duy trì sự bền bỉ của mình trên quy mô lớn. Các học viên Pháp Luân Công ở nước ngoài đã thành lập và vận hành nhiều nền tảng truyền thông khác nhau, khởi kiện các nhà lãnh đạo ĐCSTQ, những người chịu trách nhiệm về cuộc đàn áp, phá vỡ sự phong tỏa internet của ĐCSTQ, khôi phục nền văn hóa truyền thống Trung Hoa, cũng như thành lập các vũ đoàn Thần Vận (Shen Yun), lưu diễn hàng năm để trình diễn nghệ thuật múa cổ điển Trung Hoa. Những hoạt động này đã được tiếp sức trong 15 năm qua và ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Từ “Tập trung mọi nguồn lực và nỗ lực để phát triển kinh tế” đến “Tập trung mọi nguồn lực và nỗ lực để đàn áp Pháp Luân Công”
(1) Khoản đầu tư tài chính khổng lồ
Tuy nhiên, cái giá phải trả cho cuộc đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ cũng rất đắt. Điều mà các học viên Pháp Luân Công bỏ ra chỉ một đô la Mỹ hoặc một phút thời gian, lại có thể khiến ĐCSTQ phải đầu tư hàng nghìn hoặc hàng chục nghìn đô la Mỹ và mất nhiều ngày hoặc nhiều tháng để chống lại. Một ví dụ đơn giản nhất là: khi các nhà phát triển phần mềm ở nước ngoài của các học viên Pháp Luân Công thực hiện nâng cấp để phá vỡ sự phong tỏa internet, ĐCSTQ đã dùng đến một khoản đầu tư khổng lồ vào nghiên cứu và phát triển. Họ đã mất hàng nghìn hoặc hàng chục nghìn lượt nâng cấp tường lửa và phải lọc băng thông với tốc độ hơn hai Tbps dữ liệu (một nghìn tỷ bit mỗi giây).(2) (3) Ví dụ, khi các học viên Pháp Luân Công đệ đơn khởi kiện Giang Trạch Dân ở các quốc gia khác, ĐCSTQ cử một nhóm lợi ích đặc biệt lớn đến vận động Hội đồng Nhà nước, Bộ Tư pháp, tòa án và tất cả các nhân viên liên quan ở quốc gia đó, đồng thời có những nhượng bộ lớn về thương mại nhằm trốn tránh cuộc điều tra chi tiết hơn về Giang Trạch Dân.
Một cuộc khảo sát cho thấy ĐCSTQ tiêu tốn tới 1/4 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Nguồn lực được sử dụng để tài trợ cho cuộc đàn áp tương đương với nguồn lực tài trợ cho một cuộc chiến tranh.(4)
(2) Cái giá đắt của cuộc bức hại
Ông Giang Trạch Dân đã thay đổi quan điểm “tập trung mọi nguồn lực và nỗ lực để phát triển kinh tế” của ông Đặng Tiểu Bình thành “tập trung mọi nguồn lực và nỗ lực để đàn áp Pháp Luân Công.” Từ các chính sách đối nội và đối ngoại, chúng ta đã có thể phần nào hiểu được.
Về vấn đề chính trị nội bộ, ĐCSTQ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc điều chỉnh cơ cấu tổ chức và thành lập “Phòng 610” để đàn áp Pháp Luân Công. Phòng 610 hoạt động ngoài vòng pháp luật, có đặc quyền kiểm soát toàn bộ ngành công an, các cơ quan kiểm sát, lập pháp và tư pháp, cũng như cả lĩnh vực tình báo, ngoại giao, tài chính, quân đội, cảnh sát vũ trang, cơ sở y tế và truyền thông đại chúng, v.v.(5) ĐCSTQ tuyên bố rằng tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội là “tập trung sức mạnh để làm những việc lớn.” “Phòng 610” là một cơ quan gần như có thể huy động mọi nguồn lực quốc gia thông qua các kênh của các cơ quan chủ chốt. Tóm lại, đó là một cơ quan trung ương khác nằm ngoài cơ quan Thường vụ Bộ Chính trị. Cơ quan trung ương này do ông Lý Lan Thanh, nguyên Phó Thủ tướng thứ nhất Quốc vụ viện và là bạn thân của Giang Trạch Dân đứng đầu. Ông La Cán đảm nhận quyền chỉ huy và giám sát cụ thể, còn quyền lực trung ương do ông Giang trực tiếp kiểm soát.
Học viên Pháp Luân Công đã thể hiện sự bền bỉ kiên cường không khoan nhượng, khiến Giang Trạch Dân phải thất vọng ê chề và đã đẩy cuộc đàn áp leo thang đến mức độ không thương tiếc, khiến nó đã đẫm máu lại càng thêm đẫm máu. Năm 2002, trước thềm Đại hội toàn quốc lần thứ 16, ông Giang tới Chicago, đó là chuyến thăm quốc tế chính thức cuối cùng của ông. Tại Chicago, ông Giang đã bị lệnh triệu tập và khiếu nại về tội vi phạm nhân quyền đối với các học viên Pháp Luân Công.
Một mặt, đơn khởi kiện của các học viên Pháp Luân Công có khả năng đem lại hậu quả cho triều đại khủng bố của Giang. Mặt khác, phần lớn các thành viên trong Thường vụ Bộ Chính trị đều không có bất kỳ lợi ích nào trong cuộc đàn áp. Trước khi kết thúc nhiệm kỳ Tổng Bí thư, để vẫn duy trì quyền lực của mình, Giang Trạch Dân đã thực hiện thay đổi căn bản trong Thường vụ Bộ Chính trị. Ông ta sắp xếp một cách có chiến lược hai tay sai của mình làm thành viên thứ tám và thứ chín trong ủy ban vốn ban đầu chỉ có bảy người. Lý Trường Xuân chịu trách nhiệm tuyên truyền chống Pháp Luân Công và La Cán chịu trách nhiệm đảm bảo việc tiếp tục đàn áp bạo lực đối với các học viên Pháp Luân Công.
Ông Giang cũng đổi tên danh hiệu truyền thống của ĐCSTQ là “lãnh đạo cốt lõi” thành danh hiệu mới là “lãnh đạo tập thể.” Hành động này đã tước bỏ quyền lực của người kế nhiệm là ông Hồ Cẩm Đào, giúp Lý Trường Xuân, La Cán và các nhân vật chính trị cùng chí hướng của hai ông này thoát khỏi sự giám sát một cách hiệu quả.
ĐCSTQ đã cải biến từ một chế độ độc tài thành một hệ thống “đầu sỏ,” với một nhóm gồm chín ủy viên Thường vụ, theo đó mỗi vị trí có trách nhiệm cụ thể và độc lập. Điều này dẫn đến: 1) La Cán với tư cách là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị có vai trò quan trọng khiến ông ấy có thể huy động các nguồn lực của đất nước để tiếp tục chính sách đàn áp của Giang Trạch Dân. 2) Vai trò tự quản của chín thành viên ủy ban có nghĩa là ông La Cán sẽ không bị soi xét hay bị thách thức về quyền lực. Cuộc tái cơ cấu tổ chức quan trọng này được Giang dàn dựng, với mục đích chính là đạt được mục tiêu đàn áp các học viên Pháp Luân Công.
Đồng thời,ông Giang cũng có một quyết định bất ngờ cho cộng đồng quốc tế. Ông đã cho Trương Vạn Niên tiến hành cuộc đảo chính bán quân sự để đưa ông lên làm Chủ tịch Quân ủy Trung ương cho nhiệm kỳ sau Đại hội toàn quốc lần thứ 16 vào năm 2002. Ông Giang đã chuẩn bị tập trung thêm hai năm nữa để giải quyết vấn đề Pháp Luân Công. Tuy nhiên vào năm 2004, khi khó có thể duy trì cuộc đàn áp, ông ta đã hết cách và phải rút lui khỏi vị trí quyền lực cao nhất của ĐCSTQ.
Trên mặt trận ngoại giao và trên bề mặt, ĐCSTQ đặt các vấn đề Đài Loan, Tây Tạng và dân chủ vào vị trí trung tâm, trong khi trên thực tế, vấn đề Pháp Luân Công mới là mối quan tâm cốt lõi của họ. Ví dụ, tờ “Washington Times” đưa tin vào ngày 09/03/2001 rằng ông Chu Khởi Trinh, ông Lý Đạo Dự, cựu Đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ, và ông Trương Văn Phác, cựu Đại sứ Trung Quốc tại Canada, đã gặp cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Condoleezza Rice. Trong cuộc họp, không hề thông báo trước, một trong những cựu Đại sứ đã đọc một bài diễn văn được chuẩn bị trước, trong đó phần lớn nói về việc Pháp Luân Công đang gây ra mối đe dọa đối với chính phủ Trung Quốc như thế nào. Bản tin cho biết, bà Rice đã “tức giận trước bài phát biểu kéo dài 20 phút đó của các nhà ngoại giao Trung Quốc và nhanh chóng kết thúc cuộc họp.”(6)
(3) Âm mưu ám sát và đảo chính bị thất bại
Tại một bữa tiệc, ông Lưu Kinh, cựu phó giám đốc “Phòng 610,” tiết lộ rằng ban lãnh đạo ĐCSTQ chia rẽ thành hai phe về vấn đề Pháp Luân Công. Sự bất đồng của ông Hồ Cẩm Đào với việc đàn áp Pháp Luân Công đã vấp phải sự khiển trách và phản đối kịch liệt của Giang Trạch Dân. Sau đó, Giang đã âm mưu ám sát ông Hồ Cẩm Đào.(7)
Vào ngày 15/11/2006, tạp chí “Trends” của Hong Kong đăng bản tin độc quyền trong năm có nhan đề “Sự cố ngày Một tháng Năm.” Bản tin cho hay, ông Hồ Cẩm Đào bị ám sát hụt ở Hoàng Hải. Một cuộc điều tra cho thấy Giang Trạch Dân là chủ mưu. Đô đốc Trương Định Phát được chỉ định thực hiện âm mưu này. Cuối năm 2006, ông Trương được công bố đã qua đời. Không có lời than khóc và điếu văn. Cả hai cơ quan ngôn luận là Tân Hoa Xã và “Nhật báo Quân đội Giải phóng” đều im lặng, chỉ có một bản tin ngắn đăng trên Báo Hải quân Nhân dân.(8)
Trong Đại hội toàn quốc lần thứ 17 năm 2007, nhờ sự can thiệp của ông Hồ Cẩm Đào, ông Giang đã không thể đưa Bạc Hy Lai vốn trung thành và sẵn sàng ủng hộ ông Giang đàn áp Pháp Luân Công trở thành người kế nhiệm của ông Hồ. Tuy nhiên, ông Giang đã đưa một tay sai khác của ông ta là Chu Vĩnh Khang vào vị trí cao nhất trong ban Thường vụ Bộ Chính trị để thay thế La Cán, cũng là để đảm bảo tiếp tục đàn áp Pháp Luân Công. Bước tiếp theo của ông Giang là cùng ông Chu và ông Bạc lên kế hoạch đảo chính nhằm loại bỏ ông Tập Cận Bình vào năm 2014.
(4) Bất mãn sôi sục trong lòng người dân
Ngày nay, ở Trung Quốc ngập tràn sự bất mãn và hỗn loạn. Đó không chỉ là hậu quả trực tiếp của cuộc đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ, mà còn là một tình huống đáng tiếc phát sinh từ chủ ý của Ủy ban Chính trị và Pháp luật.
Theo số liệu thống kê chính thức của Trung Quốc, trước cuộc đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ, đã có một trăm triệu người tập luyện Pháp Luân Công. Khi bắt đầu cuộc đàn áp, ĐCSTQ sử dụng tất cả các công cụ tuyên truyền của mình để phát sóng 24 giờ liên tục các chương trình phỉ báng Pháp Luân Công. Tuy nhiên, không có chương trình nào đề cập đến việc các học viên Pháp Luân Công phạm tội tham nhũng, mại dâm, trộm cắp vặt, giết người hoặc phá hoại. Điều này cho thấy, các chương trình đó đã đưa ra bằng chứng chính xác rằng, học viên Pháp Luân Công sống theo nguyên lý “Chân, Thiện, Nhẫn” và họ đều là những công dân tốt.
Có thể nói, ông Giang không thể đạt được ý đồ xấu xa đàn áp một nhóm dân chúng đông đảo như vậy miễn là vẫn còn tồn tại chút công bằng xã hội. Trong một xã hội bình thường, tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do biểu đạt và biểu tình, tự do có nền tư pháp độc lập, v.v., là những phương tiện để duy trì công bằng xã hội. Nhiệm vụ chính của “Phòng 610” là đóng vai trò cản trở và kìm hãm sự phát triển công bằng xã hội.
Bằng cách này, xã hội Trung Quốc bị biến thành một khu rừng rậm, là nơi “thích nghi thì sống” và “cá lớn nuốt cá bé,” là nơi mà nạn nhân không có cơ hội lên tiếng hoặc giải quyết những bất bình của mình. Những bất bình này ngày càng lớn và tích tụ lại, tạo ra tình trạng giống như nồi áp suất có thể nổ tung bất cứ lúc nào.
Đó chính là kịch bản mà Ủy ban Chính trị và Pháp luật cần, bởi xã hội càng hỗn loạn thì người dân càng giao phó cho Ủy ban Chính trị và Pháp luật nhiều sự quan tâm và trách nhiệm hơn, ủy ban càng có được nhiều nguồn lực hơn. Khi toàn bộ chế độ Cộng sản phải dựa vào việc đàn áp các học viên Pháp Luân Công để duy trì sự tồn tại của mình, Ủy ban Chính trị và Pháp luật đương nhiên sẽ trở thành cơ quan kiểm soát cao nhất. Hiện tại, quốc gia này phải chi tới số tiền đáng kinh ngạc là 700 tỷ nhân dân tệ (~112 tỷ USD) hàng năm để duy trì sự ổn định của ĐCSTQ. Số tiền này lớn hơn cả số tiền được chính phủ phân bổ cho chi tiêu quân sự.(9) Vì Ủy ban Chính trị và Pháp luật có thể yêu cầu huy động cảnh sát vũ trang bất cứ lúc nào để trấn áp các cuộc bạo động dân sự, và vì thủ tục huy động quân sự rất phức tạp, nên Ủy ban này được mở rộng quyền lực để có thể đối phó với tình huống bị Ủy ban Quân sự làm khó.
Ông Giang Trạch Dân đã lợi dụng Ủy ban Chính trị và Pháp luật làm phương tiện để thúc đẩy sự trỗi dậy quyền lực của ông Bạc Hy Lai, cũng thực chất là để đảm bảo quyền lực tuyệt đối cho ông Bạc Hy Lai.
Kết luận
Từ việc thành lập “Phòng 610” vào năm 1999, đến âm mưu tái đắc cử của ông Giang Trạch Dân vào chức Chủ tịch Quân ủy năm 2002; từ việc cố tình bổ sung thêm hai thành viên vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị phụ trách “chính trị và pháp luật” và “công khai và tuyên truyền” trong Đại hội toàn quốc lần thứ 16 năm 2002, đến việc bãi bỏ quyền lực cốt lõi của chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào bằng cách bãi bỏ cơ chế tập trung quyền lực vào người cao nhất trong Ban Thường vụ; từ việc tăng cường quyền lực của Ban Thường vụ Bộ Chính trị và tăng chi tiêu “duy trì ổn định” bằng việc thành lập cơ quan trung ương thứ hai, đến việc lên kế hoạch chi tiết cho các vụ ám sát và đảo chính; Những cuộc tái tổ chức cơ cấu quyền lực của ĐCSTQ trong 15 năm qua đều nhằm mục đích bảo vệ các nguồn lực mà nó có thể tiếp cận cho cuộc đàn áp Pháp Luân Công.
ĐCSTQ độc quyền mọi nguồn lực công và sở hữu quyền lực tuyệt đối không hạn chế, trong khi cộng đồng quốc tế vẫn tiếp tục đầu tư lượng vốn lớn vào Trung Quốc thông qua đầu tư, thương mại và quan hệ tốt đẹp. Mặc dù vậy, chi phí cho cuộc đàn áp này và các vấn đề liên quan đã phát sinh đến mức ngay cả Trung Quốc, nền kinh tế có GDP cao thứ hai thế giới cũng bị choáng ngợp.
Vì tiền đề của cuộc đàn áp Pháp Luân Công là để phá hủy cơ chế duy trì ổn định xã hội bằng cách khuyến khích những hành động tà ác và tấn công người thiện lương và tốt bụng, do đó nạn nhân không chỉ là các học viên Pháp Luân Công, mà còn cả người dân thường phải đối mặt với hoàn cảnh bị mất an ninh xã hội. Hiện tại, các quan chức chính phủ và công chúng đang đứng ở hai phía đối lập. Sau đó, còn có các vấn đề về môi trường và xã hội do sự suy thoái đạo đức trên toàn quốc gây ra – tất cả đều liên quan trực tiếp đến cuộc bức hại.
Trong lịch sử Trung Quốc cổ đại, có bốn vị hoàng đế khác nhau đã thực hiện các chiến dịch tiêu diệt Phật giáo, nhưng không có sự kiện nào kéo dài hơn sáu năm hoặc vượt ra khỏi một khu vực địa lý. Tương tự như vậy cứ thỉnh thoảng ở phương Tây, lại xảy ra các cuộc đàn áp Cơ đốc giáo của Đế chế La Mã. Tuy nhiên, bất kể đó là Trung Quốc cổ đại hay Đế chế La Mã, đều không ai có khả năng kiểm soát mọi khía cạnh của xã hội cũng như có đầy đủ khả năng về an ninh tổ chức và tài chính như ĐCSTQ. Hơn nữa, ĐCSTQ có quyền dồn toàn bộ nguồn lực của quốc gia để tập trung hoàn toàn vào cuộc đàn áp, sử dụng hàng loạt các phương pháp tra tấn và tẩy não cực đoan, cũng như thực hiện thu hoạch nội tạng sống từ các học viên Pháp Luân Công để cung cấp cho hoạt động cấy ghép nội tạng có hệ thống và quy mô lớn. Đây chính là hành động giết người vì lợi nhuận.
Mười bảy năm bức hại và các hoạt động phản bức hại, tình hình đã rõ ràng; Các cuộc phản bức hại của Pháp Luân Công sẽ tiếp tục và bền bỉ, trong khi chính quyền ĐCSTQ không thể duy trì hoàn cảnh bức hại hiện tại và đang đứng trên bờ vực tan rã.
Trong lịch sử nhân loại, chưa từng có một đế quốc nào tồn tại trên một nghìn năm, nhưng lại có những tín ngưỡng tồn tại hơn một thiên niên kỷ. Cho dù một cuộc bức hại có hoàn toàn vô lương tâm, vô đạo đức đến đâu, thì quả báo thiện và ác cuối cùng cũng sẽ lộ rõ.
_____
[1] Phóng viên Kyodo News đưa tin từ Bắc Kinh: “Có vẻ như ngoài việc bị điều tra về tội tham nhũng, Chu Vĩnh Khang có thể sẽ phải đối mặt với các cuộc thẩm vấn về cuộc đảo chính.”
http://www.bbc.co.uk/zhongwen/simp/china/2014/07/140730_zhou_yongkang_japan.shtml
[2] CNNIC đã công bố phân phối xuất khẩu quốc tế của Mạng Internet Trung Quốc (CIN) vào cuối tháng 06/2013. Tổng băng thông xuất khẩu quốc tế của mạng xương sống internet chính của CIN đạt 2.098.150 Mbps.
http://data.lmtw.com/yjjg/201307/91967.html
[3] Cuộc kiểm tra proxy của Đại học Harvard cho thấy các trang web liên quan đến Pháp Luân Công đã gặp phải sự ngăn chặn nghiêm trọng nhất của ĐCSTQ
http://cyber.law.harvard.edu/publications/2005/Internet_Filtering_in_China_in_2004_2005
https://opennet.net/studies/china#toc4a
[4] Tuyển tập các báo cáo điều tra của Tổ chức Thế giới Điều tra Cuộc đàn áp Pháp Luân Công
http://www.zhuichaguoji.org/node/23256
[5] Báo cáo điều tra về sự tham gia có hệ thống của “Phòng 610” vào cuộc đàn áp Pháp Luân Công
http://www.zhuichaguoji.org/node/23202
[6] Bên trong chiếc nhẫn
http://www.washingtontimes.com/news/2001/mar/09/20010309-021538- 9115r/
[7] Năm 2002, Lưu Tĩnh tiết lộ sự bất đồng nội bộ trong ban lãnh đạo ĐCSTQ liên quan đến việc đàn áp Pháp Luân Công
http://www.epochtimes.com/gb/12/4/9/n3560912.htm
[8] Bí mật đằng sau ba cuộc ám sát rùng rợn của Hồ Cẩm Đào
http://www.epochtimes.com/gb/12/5/27/n3598251.htm
[9] Quan điểm của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc và Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc về chi tiêu quân sự của Trung Quốc và chi phí “duy trì sự ổn định”
http://www.bbc.co.uk/zhongwen/simp/china/2014/03/140305_ana_ china_npc_army.shtml