Chương 3:
Che đậy sự thật là gốc rễ của mọi tội ác
Chang Chin-Hwa (Trương Cẩm Hoa)
Abraham Lincoln từng nói: “Hãy để người dân biết sự thật và quốc gia sẽ an toàn.” Tuy nhiên, chính quyền Cộng sản Trung Quốc không chỉ kiểm soát chặt chẽ các phương tiện truyền thông ở Trung Quốc đại lục bằng cách phá hủy quyền tự do ngôn luận và các báo cáo sự thật, mà bàn tay đen của sự đàn áp đó thậm chí còn mở rộng sang các xã hội tự do. Không có tự do thì sự thật không thể được nói lên, lương tâm, lòng nhân đạo sẽ không tồn tại và cái ác sẽ tràn lan. Trên thực tế, thiếu tự do chính là nỗi bất hạnh lớn nhất của bất kỳ xã hội nào.
Hãy bắt đầu với một ví dụ ở Đài Loan:
Truyền thông tự do bị lợi dụng thành công cụ tuyên truyền
Vào tháng 08/2010, các luật sư Đài Loan đại diện cho học viên Pháp Luân Công đã đưa ra cáo buộc hình sự chưa từng có đối với Hoàng Hoa Hoa, cựu Tỉnh trưởng Quảng Đông, người dự kiến dẫn đầu một phái đoàn thương gia đến Đài Loan. Các cáo buộc được đưa ra cho Văn phòng Công tố viên cấp cao Đài Loan bao gồm tội ác diệt chủng và sự vi phạm hai hiệp ước của Liên hợp quốc: Công ước quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị và Công ước quốc tế về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa, cả hai công ước này đều đã được Đài Loan thông qua năm 2009. Các luật sư yêu cầu điều tra vai trò của Hoàng Hoa Hoa trong việc bức hại các học viên Pháp Luân Công và bắt ông ta khi ông tới Đài Loan. Quảng Đông là một trong những tỉnh ở Trung Quốc đàn áp Pháp Luân Công nghiêm trọng nhất. Mức độ tà ác thật đáng kinh ngạc, với một cuộc khảo sát gần đây xác nhận rằng có 75 trường hợp tử vong và nhiều trường hợp bị thương do tra tấn. Kể từ khi Hoàng Hoa Hoa đảm nhận chức vụ Bí thư Thành ủy Quảng Châu, một thành phố thuộc Quảng Đông, ông ta đã trực tiếp ra lệnh, bày mưu và tổ chức cuộc đàn áp. Dẫn chứng là việc một học viên Pháp Luân Công người Đài Loan đã bị giam giữ trong chuyến thăm gia đình của anh ấy ở Trung Quốc đại lục.
Đài Loan luôn tự nhận là một quốc gia “được thành lập dựa trên nhân quyền.” Tuy nhiên, ba trong số bốn tờ báo lớn ở Đài Loan không hề đưa tin về cáo buộc chống lại Hoàng Hoa Hoa và tất cả các đài truyền hình thương mại lớn cũng không có bất kỳ bản tin nào.
Trên thực tế, không có gì lạ khi các phương tiện truyền thông Đài Loan và thậm chí cả xã hội phương Tây phớt lờ việc đưa tin về cuộc bức hại nặng nề đối với Pháp Luân Công. Một số thậm chí còn trở thành cái loa của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bằng cách lan truyền những lời dối trá của Đảng này.
Tại sao các phương tiện truyền thông không báo cáo những sự thật về Pháp Luân Công? Tại sao báo chí không còn tự do trong một xã hội tự do? Trung Quốc Đỏ đã dùng phương tiện gì để buộc giới truyền thông trong một xã hội tự do phải khuất phục trước quyền lực của nó? Điều này có tác động gì đến xã hội? Trước tiên chúng ta hãy cùng bàn luận về vấn đề ĐCSTQ kiểm soát truyền thông trong một xã hội tự do.
Đàn áp truyền thông tự do: Bốn phương pháp được ĐCSTQ sử dụng để kiểm soát truyền thông nước ngoài
1. Giành quyền sở hữu và biến kênh truyền thông đó thành cơ quan ngôn luận của mình
Tập đoàn Truyền thông Want Want (Want Want Media Group) ở Đài Loan là một ví dụ điển hình. Năm 2008, China Times—một trong những tờ báo nổi tiếng ở Đài Loan—đã nhanh chóng suy thoái do sự cạnh tranh khốc liệt, sự phát triển nhanh chóng của Internet và sự quản lý yếu kém của họ. Thái Diễn Minh, một doanh nhân người Đài Loan có công ty tại Trung Quốc đại lục, đã mua công ty truyền thông này với một cái giá cao (đến không ngờ). Thái Diễn Minh ban đầu sở hữu các tập đoàn kinh doanh bao gồm: thức ăn vặt Want Want, thức uống, bất động sản, bảo hiểm, dịch vụ tài chính, quản lý, bệnh viện, khách sạn, v.v. Hơn 90% lợi nhuận của ông đến từ thị trường Trung Quốc đại lục (Cơ quan lập pháp, 2011). Tạp chí Forbes gần đây đã liệt kê ông là người giàu nhất Đài Loan và là một trong những người giàu nhất Trung Quốc đại lục. Tuy nhiên, theo một tài liệu trên tạp chí The Economist xuất bản vào tháng 04/2013, Want Want được xếp vào danh sách một trong những doanh nghiệp lớn nhất được tài trợ bởi các khoản trợ cấp từ Chính phủ Trung Quốc. Tạp chí Anh quốc này cho biết, khoản trợ cấp mà Want Want nhận được từ ĐCSTQ lên tới 11.3% lợi nhuận ròng của công ty trong năm 2011. Chúng ta có thể thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa sự hỗ trợ của ĐCSTQ và sự thành công của tập đoàn Want Want.
Một báo cáo đặc biệt đăng trên Tạp chí Taiwan’s World của Đài Loan vào tháng 02/2009 đã trích dẫn một cuộc đối thoại trong ấn phẩm nội bộ của Want Want: “Báo cáo với Giám đốc, chúng tôi đã mua lại China Times.” Theo báo cáo này, Thái Diễn Minh đã chi 2.4 tỷ Đài tệ (khoảng 70 triệu Mỹ kim) để mua lại tập đoàn China Times (bao gồm báo chí, một kênh tin tức truyền hình cáp và một kênh truyền hình không dây). Ông ấy đã báo cáo điều này với giám đốc Văn phòng Trung Quốc – Đài Loan (Vương Nghị) một tháng sau quá trình chuyển đổi. Thái Diễn Minh cũng cho biết tập đoàn truyền thông này đã tuân thủ rất tốt “lệnh của cấp trên” để tuyên truyền về sự thịnh vượng của Đất Mẹ (tức là Trung Quốc đại lục). Sau đó, Vương Nghị trả lời: “Nếu sau này anh có bất kỳ nhu cầu gì, văn phòng chúng tôi chắc chắn sẽ cố gắng hết sức để hỗ trợ.” (Lâm Hành Phi, 2009).
Đoạn đối thoại trên cho thấy Want Want, với tư cách là một tập đoàn được bảo trợ từ Trung Quốc, đã trả giá cao để mua lại một kênh truyền thông không chỉ đơn giản là vì mục đích thương mại mà còn vì mục đích chính trị nhằm phục vụ cả lợi ích của chính phủ và doanh nghiệp. Giới học thuật gọi mối quan hệ này là truyền thông “tay sai.” Trên thực tế, điều này không chỉ xảy ra ở Đài Loan mà còn xảy ra ở Hồng Kông và các nước khác. Trong những năm gần đây, quyền sở hữu hoặc vốn sở hữu của các kênh truyền thông Trung Quốc ở nước ngoài cũng dần dần được mua lại bởi những doanh nhân tay sai này. Trong các xã hội tự do và dân chủ, các phương tiện truyền thông đề cao tính khách quan và trung lập, đưa tin chân thật, phục vụ lợi ích cộng đồng và đóng vai trò là “quyền lực thứ tư.” Tuy nhiên, những phương tiện truyền thông tay sai này, mặc dù không trực tiếp nằm dưới sự kiểm soát của ĐCSTQ, nhưng cũng đóng vai trò là cái loa phục vụ lợi ích chính trị của ĐCSTQ và chỉ đưa tin về “sự thịnh vượng của Đất Mẹ.”
2. Kiểm soát việc sản xuất tin tức, thay đổi lớp huấn luyện về nhân sự, bài xã luận và nội dung tin tức
Giai đoạn thứ hai là kiểm soát các bài xã luận và nhân sự. Vào tháng 02/2012, Andrew Higgins, người đoạt giải Pulitzer nổi tiếng của Mỹ, đã phỏng vấn ông Thái – ông chủ của tập đoàn Want Want. Ông tiết lộ kênh truyền thông Want Want không chỉ thực hiện những thay đổi lớn về nhân sự mà còn kiểm soát nội dung xã luận của mình để phục vụ ĐCSTQ. Higgins cho biết thêm những điểm tương đồng giữa quan điểm của Thái Diễn Minh và của ĐCSTQ về vụ thảm sát ngày 04/06 và nền dân chủ của Trung Quốc. Ví dụ, ông Thái nói: “Tôi nhận ra rằng không có nhiều người thực sự đã chết như vậy… [Trung Quốc] rất dân chủ ở nhiều nơi… dù bạn có thích hay không thì sự thống nhất cũng sẽ xảy ra dù sớm hay muộn.” Ông Thái khẳng định lý do sa thải tổng biên tập của China Times là vì bà “làm tổn thương tôi khi xúc phạm mọi người, không chỉ là người Đại lục. Về nhiều thứ, mọi người cảm thấy bị xúc phạm.” Ông Thái nói thêm: Các nhà báo có quyền tự do phê bình, nhưng họ “cần suy nghĩ kỹ trước khi viết.”(1)
Nhiều trí thức Đài Loan lúc đó rất tức giận. Họ đã phát động làn sóng phản đối, chỉ trích nhận xét của ông Thái khi nó bôi nhọ sự thật về vụ thảm sát ở Thiên An Môn. Họ cũng thẩm vấn tập đoàn Want Want về việc thanh trừng những người bất đồng chính kiến, kiểm soát nhân sự và lạm dụng quyền tự do báo chí. Cũng là người bị sa thải bởi tập đoàn truyền thông Want Want, biên tập viên trang dư luận của China Times đã thẳng thắn nhận xét trong một cuộc họp báo rằng ông “không được phép đề cập đến những chủ đề nhạy cảm như Vụ thảm sát ngày 4 tháng 6, Pháp Luân Công, Đồng thuận năm 1992, và Đạt Lai Lạt Ma, v.v.” Dưới áp lực đó, các phóng viên đã bị rơi vào tình trạng tự kiểm duyệt: “Một khi có cảnh sát bên trong tâm trí họ, thì các biên tập viên sẽ tự mình né tránh những vấn đề nhạy cảm.” (Xu Peijun, 2012)
Trên thực tế, giới truyền thông tay sai không chỉ trắng trợn phớt lờ quy định của báo chí mà còn vi phạm pháp luật một cách trơ trẽn. Ở đầu bài viết này, chúng tôi đã đề cập đến việc Hoàng Hoa Hoa dẫn đầu một phái đoàn thương gia đến Đài Loan vào năm 2010 và đã bị kiện bởi các luật sư đại diện cho Pháp Luân Công. Phần lớn các phương tiện truyền thông dòng chính của Đài Loan, bao gồm cả Want Want, đã bỏ qua vụ kiện này. Thay vào đó, tất cả họ đều cung cấp lượng lớn những bản tin về “tình yêu” Đài Loan của Hoàng Hoa Hoa, chuyến đi của ông ta hữu ích và hiệu quả như thế nào; sự phát triển nhanh chóng của tỉnh Quảng Đông, những cơ hội vàng để đầu tư và mối liên kết chặt chẽ giữa Đài Loan và “Trung Quốc Đất Mẹ.” Không có bản tin nào về các cuộc biểu tình của các doanh nhân Đài Loan nhằm phản đối ông ta, tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, tham nhũng và vi phạm nhân quyền ở Quảng Đông. Tất cả các tin tức hóa ra chỉ là tuyên truyền và quảng cáo một chiều. Trên thực tế, mọi “tin tức tích cực” đều là quảng cáo được trả phí. Một cuộc điều tra do Ủy ban Kiểm toán và Thanh tra Đài Loan tiến hành vào tháng 11/2011 đã xác nhận rằng có nhiều hơn một phương tiện truyền thông đã thực hiện việc sắp đặt tin tức, (tức là “tuyên truyền- được ngụy trang như -tin tức”). Các nhà điều tra lập luận rằng những vi phạm như vậy làm phá hoại tính chuyên nghiệp của báo chí, đánh lừa độc giả và đe dọa an ninh quốc gia.
ĐCSTQ thao túng các kênh truyền thông tin tức bằng nhiều cách, bao gồm các việc như giành quyền sở hữu, kiểm soát nhân sự, hạn chế quyền tự chủ biên tập và kiểm duyệt việc đưa tin, v.v., dẫn đến tình trạng tham nhũng hoàn toàn trong ngành báo chí. Lương tâm của các phóng viên bị đàn áp và bóp méo, nội dung của tin tức trở thành chỉ có tuyên truyền và dối trá. Trường hợp của tập đoàn Want Want chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
3. Kiểm soát quảng cáo và lợi ích, đe dọa, bịt miệng giới truyền thông
Ngay cả khi không thể thay đổi được chủ sở hữu các trang thông tin, ĐCSTQ vẫn sẽ sử dụng các ưu đãi kinh tế, quảng cáo và lợi ích tiếp thị để thao túng truyền thông. Trên thực tế, việc này đã trở thành thông lệ. Ví dụ, một người chủ trì chương trình trò chuyện truyền hình rất nổi tiếng được biết đến với phong cách thẳng thắn và những lời chỉ trích gay gắt đối với Trung Quốc, đã bị thay thế vì áp lực từ ĐCSTQ. Tờ báo Apple Daily của Hồng Kông được biết đến với quan điểm ủng hộ dân chủ và chống cộng sản, đã bị thu hồi quảng cáo đáng kể từ các công ty có quan hệ kinh doanh với Trung Quốc, dẫn đến tổn thất lớn về doanh thu và số lượng trang báo đã bị giảm 20%. Một tờ báo khác của Hong Kong là am730, một ấn phẩm miễn phí, giữ quan điểm tương đối ôn hòa nhưng đã từng chỉ trích chính quyền Hong Kong do ĐCSTQ thành lập, cũng phải chịu cảnh các nguồn quảng cáo bị chặn bởi ít nhất ba ngân hàng Trung Quốc, gây ảnh hưởng nặng nề đến công ty của tờ báo.
Thực ra thì, chiến thuật rút quảng cáo khỏi các kênh truyền thông của ĐCSTQ đã tồn tại từ lâu, nhưng giờ đây nó ngày càng lan tràn, đe dọa tất cả các phương tiện truyền thông có ý định tiếp cận khán giả nói tiếng Hoa. Để tồn tại, các phóng viên phải đi ngược lại lương tâm của họ và phải giữ im lặng. Thật đáng buồn khi truyền thông trong một xã hội tự do sẽ không còn được tự do nữa.
4. Tấn công bằng bạo lực để gia tăng nỗi sợ hãi
Đối với những phương tiện truyền thông hoặc nhà phê bình không bị kiểm soát bởi các chiến thuật khác nhau của ĐCSTQ trong các xã hội tự do, một số hành vi bạo lực đáng sợ chống lại những người bất đồng chính kiến ở Trung Quốc đã được mở rộng một cách rõ rệt sang các phương tiện truyền thông nước ngoài. Chương đầu tiên của cuốn Kỷ yếu về tự do của Hồng Kong (Hong Kong’s freedom Yearbook) năm 2014, với tiêu đề là “Các cuộc tấn công bạo lực nhằm vào các phóng viên gây nguy hiểm cho quyền tự do báo chí,” đã chỉ ra rằng tỷ lệ các vụ tấn công bạo lực nhằm vào các nhà báo ở Hồng Kông đã tăng mạnh trong hai năm vừa qua, và mức độ nghiêm trọng của các vụ bạo lực ngày càng tăng cao, mục tiêu không chỉ là nhắm vào các phóng viên chính trực mà còn là cả các chủ công ty. Vụ việc thương tâm nhất xảy ra trong vài năm gần đây chính là cựu tổng biên tập của tờ Minh Báo (Ming Pao), ông Lưu Tấn Đồ (Lau Chun-to (Liu Jintu)), người bị đâm dã man giữa ban ngày và đã bị thương nặng. Vụ tấn công đã thu hút sự chú ý của quốc tế, và hàng chục tổ chức nhân quyền đã đưa ra các tuyên bố bày tỏ sự quan ngại và lên án sâu sắc của họ. Họ tuyên bố rằng bạo lực không chỉ ảnh hưởng đến giới truyền thông mà còn thách thức nền pháp quyền ở Hồng Kông, đồng thời nó là hành động khiêu khích chống lại báo chí và quyền tự do ngôn luận của Hồng Kông nói chung.
Ngoài ra, các vụ bạo lực chống lại giới truyền thông đối lập ở Hồng Kông đã trở nên ngày càng thường xuyên trong những năm gần đây: cổng vào nơi ở của ông Lê Trí Anh (Li Zhiying), chủ tịch công ty trách nhiệm hữu hạn Next Media, một tập đoàn truyền thông chống cộng mạnh nhất ở Hồng Kông, đã bị một chiếc xe hơi đâm sập; hàng chục nghìn bản báo của tờ Apple Daily đã bị ác ý phóng hỏa vào tháng 6/2013, tờ Minh Báo (Ming Pao) từng nhận được một bưu kiện chứa thuốc nổ; các cửa hàng bán lẻ của tờ Sing Tao Daily và Oriental Daily News bị bọn tội phạm phá hoại; giám đốc điều hành của Hong Kong Morning Media Group Limited bị tấn công tại trung tâm thương mại của thành phố; chủ tịch của tạp chí iSunAffairs.com bị hai kẻ đeo mặt nạ dùng gậy gỗ tấn công; tờ báo Đại Kỷ Nguyên (the Epoch Times) do các học viên Pháp Luân Công thành lập đã liên tục bị quấy nhiễu. Tuy nhiên, phần lớn các cuộc tấn công bạo lực nhằm vào giới truyền thông và nhân viên của họ vẫn chưa được giải quyết.
Ngoài những cuộc tấn công bạo lực tà ác này, ĐCSTQ còn được ghi nhận là đã xây dựng một đội quân trên mạng gồm hàng trăm nghìn người để tấn công các trang web của nhiều doanh nghiệp lớn và các cơ quan chính phủ, làm tê liệt các trang web hoặc đánh cắp thông tin tình báo nội bộ và các thông tin mật. Những tội phạm công nghệ cao như vậy đang gia tăng trong những năm gần đây. Ví dụ, ngay đêm trước một cuộc diễu hành lớn vì nền dân chủ và quyền bầu cử công khai ở Hồng Kông, trang web của Next Media đã bị tấn công ở mức độ như là “cấp quốc gia,” với số lượt truy cập lên tới 40 triệu lượt mỗi giây. Hơn nữa, đi kèm với việc đánh cắp dữ liệu nội bộ, việc bẻ khoá đã đe dọa đến tính bảo mật thông tin của các cá nhân và tổ chức. Các trang web tin tức do các học viên Pháp Luân Công xây dựng đã liên tục bị tấn công trong một thời gian dài. Để đối phó với các mối đe dọa và sự xâm lược trên mạng của Trung Quốc, nhiều quốc gia, bao gồm cả Hoa Kỳ, đã tăng cường an ninh của họ.
Kết luận: Từ đàn áp tin tức đến đàn áp các quyền cơ bản của con người
ĐCSTQ, thông qua việc thao túng chính trị, kinh tế và bài xã luận, chưa nói đến sự đe dọa bạo lực đối với các nhân viên truyền thông, đã gây ra những tác động nghiêm trọng đến hầu hết các phương tiện truyền thông ở các xã hội tự do. Ví dụ, Báo cáo của Freedom House năm 2014 đã xếp hạng về tự do báo chí của Hồng Kông ở vị trí thứ 74 trong số 197 quốc gia, và được phân loại là quốc gia “tự do một phần.” Trong khi đó, năm 2002, Hồng Kông được xếp hạng thứ 18 và nổi tiếng là một trong những quốc gia tự do nhất châu Á. Kể từ khi trở lại dưới sự cai trị của Trung Quốc vào năm 1997, Hồng Kông đã chịu sự thao túng của ĐCSTQ trong nhiều năm, đáng buồn thay Hồng Kông đã tụt lùi từ vị trí thứ 18 xuống 74 trong 12 năm!
Quyền tự do báo chí ở Đài Loan cũng bị ảnh hưởng tương tự bởi sự gia tăng của “các chương trình trao đổi giữa Trung Quốc và Đài Loan,” ở một mức độ nào đó, nó cũng bị suy giảm hàng năm. Một báo cáo về Tự do Báo chí năm 2014 do Freedom House công bố đã xếp Đài Loan ở vị trí thứ 47, trước Hồng Kông và phân loại Đài Loan như là một “quốc gia tự do.” Tuy nhiên, vào năm 2007, Đài Loan xếp ở vị trí thứ 32 và kể từ đó đã tụt 15 bậc! Báo cáo cho rằng việc một ông trùm Trung Quốc gốc Đài Loan mua lại cơ quan truyền thông Đài Loan được đề cập ở trên đã làm suy giảm đáng kể quyền tự do báo chí ở Đài Loan.
Giáo sư Dư Anh Thời (Yu Yingshi), nhà sử học nổi tiếng Trung Quốc và là thành viên danh dự của Viện Hàn lâm Khoa học Đài Loan (Academia Sinica of Taiwan), đã công bố một bức thư vào năm 2012, chỉ ra rằng “ở Đài Loan, một số chính trị gia quyền lực và doanh nhân giàu có đã quyết tâm chiều theo ý muốn của ĐCSTQ với động cơ hoàn toàn là vì lợi ích cá nhân. Họ đã thâm nhập vào mọi ngóc ngách ở Đài Loan và việc mua chuộc các phương tiện truyền thông đại chúng chỉ là một phần trong số đó.” Ông đã công khai đặt câu hỏi về tác động tiêu cực của việc ĐCSTQ kiểm soát dư luận bằng việc mua và sáp nhập các phương tiện truyền thông của Đài Loan từ năm 2012 đến năm 2013.
Từ những ví dụ được trích dẫn trong bài viết này, người ta có thể quan sát thấy sự kiểm soát độc tài của ĐCSTQ đối với tự do và lương tâm ở Trung Quốc cũng như ở nước ngoài. Nó đã làm xói mòn nghiêm trọng các giá trị cốt lõi của báo chí trong các xã hội tự do, bao gồm việc đưa tin trung thực về sự kiện, giám sát quyền lực và bảo vệ lợi ích cộng đồng. Mọi người dựa vào các tin tức không thiên lệch để có được thông tin về mọi khía cạnh của cuộc sống, từ sự an toàn và sức khỏe của cá nhân đến các quyền dân sự và chính trị. Mọi người đưa ra lựa chọn dựa trên thông tin xác thực và đầy đủ thông qua các kênh thông tin tự do và các ý kiến đa chiều. Luồng thông tin tự do này là cơ sở cho sự vận hành lành mạnh của một xã hội dân chủ, nơi mà quyền lực có thể được giám sát, sự lạm dụng quyền lực có thể bị phơi bày, lợi ích của người dân có thể được bảo vệ và một hệ thống chính trị vững mạnh có thể được củng cố. Thông tin trung thực cũng rất quan trọng trong việc duy trì trật tự và hòa bình của cộng đồng quốc tế. Hiện tại, cộng đồng quốc tế đang lên án ĐCSTQ về một số tội danh, bao gồm thao túng tỷ giá hối đoái, mở rộng quân đội, thực hiện chính sách ngoại giao lợi dụng thuộc địa, cướp đoạt các nguồn khoáng sản, vi phạm bản quyền, xuất khẩu các sản phẩm được làm bởi lao động cưỡng bức, làm tràn ngập thị trường toàn cầu với các thực phẩm và đồ chơi độc hại, v.v….
Vô số trẻ em đã chết dưới những ngôi trường bị sập trong trận động đất Vấn Xuyên năm 2008 ở tỉnh Tứ Xuyên là hệ quả từ các công trình xây dựng kém chất lượng. Nhiều trẻ sơ sinh gặp vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe trong khi nhiều trẻ bị tử vong sau khi uống sữa công thức độc hại đã bị cố ý làm bẩn để tăng lợi nhuận. Đất, không khí, nước và trang trại ở Trung Quốc đã bị ô nhiễm một cách tàn nhẫn, ảnh hưởng đến cả sản phẩm trong nước và xuất khẩu. Nhiều quốc gia đã phải trả giá đắt cho những hành vi sai trái của ĐCSTQ trong khi vô số người đã bị tổn thương, thậm chí mất mạng. Tuy nhiên, dưới sự phong tỏa thông tin và sự tuyên truyền bọc đường của ĐCSTQ, các biện pháp để khắc phục không thể được sử dụng và hầu hết người dân Trung Quốc thậm chí còn không nhận biết được các vấn đề trên.
Sự lạm dụng quyền lực tàn bạo của Trung Cộng đã dẫn đến cuộc đàn áp các học viên Pháp Luân Công, những người có tín ngưỡng và đức tin khác cũng như tất cả những người bất đồng chính kiến. Điều đáng sợ hơn nữa là sự đánh mất lương tâm và y đức dẫn đến nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức, bán nội tạng để kiếm lời và nhanh chóng hỏa táng các thi thể dù còn sống hay đã chết để che đậy mọi dấu vết của những tội ác này. Đằng sau tất cả các loại tội ác và bạo lực này là sự lạm dụng quyền lực một cách có hệ thống của chế độ độc tài, quan chức tham nhũng, sự thiếu công bằng trong xã hội và sự kiểm soát truyền thông. Các vấn đề thì rất nhiều, nhưng sự thật lại bị ngăn chặn không cho công chúng tiếp cận. Kết quả là cha mẹ không có khả năng bảo vệ con cái, giáo viên không có khả năng bảo vệ học sinh, công dân không có khả năng bảo vệ môi trường và xã hội không có sự ổn định để đảm bảo cho sự tồn tại và phúc lợi của thế hệ sau. ĐCSTQ sử dụng cơ quan ngôn luận của mình là truyền thông nhà nước – để ca ngợi Đảng là “Vĩ đại, Vinh quang và Chính xác” để tẩy não người dân. Những người không được tiếp cận nguồn thông tin bên ngoài sẽ lặp lại tuyên truyền của Đảng và trở thành đồng phạm với những kẻ vu khống người vô tội và vi phạm nhân quyền.
Vấn đề sâu xa hơn của chế độ độc tài của ĐCSTQ là mối đe dọa mà nó gây ra cho sự sinh tồn của cá nhân, do đó việc bảo vệ và thỏa mãn những nhu cầu của bản thân mình đã làm lu mờ các nhu cầu của người khác. Khi sự sống còn bị đe dọa, có người đã chọn cách từ bỏ lương tâm và khuất phục trước cái ác, thậm chí có người còn tự nguyện trở thành kẻ đồng lõa của sự bạo lực. Một trong những chủ đề chính tại Bảo tàng diệt chủng Hoa Kỳ (United States Holocaust Museum) ở Washington, DC là việc những người gần gũi nhất với nạn nhân thường trở thành kẻ gây hấn với họ: “Một số [thủ phạm] là hàng xóm.” Dưới sự dối trá và đe dọa bạo lực, những người bạn tốt, hàng xóm tốt hoặc bạn học tốt đã trở thành kẻ đồng lõa của cuộc bức hại, họ biến đổi từ thiên thần thành ác quỷ. Vì vậy, đây không chỉ là sự vi phạm tính chuyên nghiệp của báo chí mà còn là sự bóp méo tà ác nhất đối với bản chất con người, những điều chúng ta đang chứng kiến hôm nay đến từ sự kiểm soát truyền thông của ĐCSTQ.
Vấn đề nhân quyền của Pháp Luân Công là một ví dụ điển hình. Trước sự đe dọa của ĐCSTQ, giới truyền thông hoặc hợp tác với các phương tiện truyền thông chính thức do ĐCSTQ kiểm soát hoặc giữ im lặng. Ngay cả khi đối mặt với những cáo buộc chưa từng có tiền lệ chống lại một nhà lãnh đạo Trung Quốc đã được đề cập ở trên, thì hầu hết các phương tiện truyền thông dòng chính đều chọn cách giữ im lặng. Điều đáng buồn hơn nữa là một số phương tiện truyền thông còn miêu tả một quan chức tham nhũng một cách trắng trợn là một “người lãnh đạo tốt, quan tâm sâu sắc đến người dân!” Công chúng trở nên khó phân biệt được đâu là sự thật từ những lời nói dối. Kết quả là họ có thể trở thành người ủng hộ cho những kẻ đàn áp. Những nhà báo đã lựa chọn nói dối không chỉ phản bội lương tâm nghề nghiệp của mình mà còn trở thành đồng phạm của những kẻ bức hại. Khi không có sự thật và tự do, người ta không thể phán xét bằng lương tâm. Do đó, bằng cách kiểm soát và đàn áp tin tức, chế độ độc tài Trung Quốc không chỉ đơn giản biến nhóm mục tiêu trở thành nạn nhân mà là với tất cả mọi người.
Mặc dù cái gọi là “yếu tố Trung Quốc,” thông qua trao đổi các lợi ích khác nhau, đã làm xói mòn nền tảng của báo chí và xã hội dân chủ, nhưng vẫn có một số người cố gắng tìm hiểu sự việc và sau đó hiểu ra sự thật. Vì những người này trân trọng tự do và giữ vững lương tâm, họ đứng lên để vạch trần và chống lại sự đàn áp. Một ví dụ là phong trào xã hội phản đối việc sáp nhập và mua lại tập đoàn truyền thông China Times của tập đoàn Want Want. Hơn mười nghìn người, bao gồm cả giáo viên và sinh viên trong giới học viện, cũng như các tổ chức phi chính phủ và các nhóm cộng đồng đã cùng nhau hợp tác. Thông qua internet, họ đã hình thành một phong trào trọng yếu kêu gọi tự do báo chí, sự đa dạng và cải cách truyền thông. Khi một lượng lớn người dân tự phát biểu tình trên đường phố, chính phủ Đài Loan cuối cùng đã buộc phải chú ý hơn đến quy định về đa dạng phương tiện truyền thông và xem xét lại sự sáp nhập doanh nghiệp. Ngoài việc đặt ra các điều kiện nghiêm ngặt quy định việc sáp nhập doanh nghiệp của NCC (Ủy ban Truyền thông Quốc gia), Viện Lập pháp còn đưa ra các hành động sửa đổi luật chống độc quyền truyền thông. Cuối cùng, dưới áp lực của sự phản đối mạnh mẽ của người dân, tập đoàn truyền thông Want Want đã rút lui khỏi các vụ sáp nhập bổ sung. Đây thực sự là sức mạnh của cái thiện đã giành được thắng lợi cho quyền tự do của công dân.
Các học viên Pháp Luân Công là một trong những nhóm tích cực nhất trên thế giới giúp đỡ mọi người nhìn xa hơn về sự tuyên truyền của ĐCSTQ. Trong hơn 15 năm qua, các học viên trong và ngoài Trung Quốc—thường mạo hiểm đến cả tính mạng của họ—đã không ngừng cống hiến thời gian, công sức và các nguồn lực của mình để tiết lộ sự thật không chỉ về cuộc đàn áp Pháp Luân Công mà còn về các hành vi bất lương khác của chính quyền ĐCSTQ. Thông qua việc phát tờ rơi làm sáng tỏ sự thật và các tài liệu khác trên đường phố, đến thăm văn phòng Quốc hội và Thượng viện, làm việc với tòa án và nói chuyện với giới truyền thông, các học viên Pháp Luân Công đã giúp mọi người biết đến các sự việc và hiểu ra sự thật. Thông qua các hoạt động giải cứu các học viên bị bức hại ở Trung Quốc và đứng lên chống lại cuộc đàn áp bất hợp pháp và vô đạo đức này, các học viên Pháp Luân Công đã giúp mọi người trở nên đủ can đảm để không chỉ đứng lên ủng hộ Pháp Luân Công mà họ còn trở nên chủ động trong việc giúp đỡ chấm dứt cuộc bức hại; và khi làm những việc đó, họ đang thay đổi chính mình và thay đổi cả thế giới.
Một phóng viên và nhà bình luận chính trị nổi tiếng Walter Lippmann đã từng nói: “Không có sự thật thì không thể có tự do.” (2) Dù cho các chế độ độc tài cố gắng đàn áp tự do và sự thật, và dù cho truyền thông bị kiểm soát và đe dọa nhiều đến mức nào, thì nó đơn giản chỉ là sự đấu tranh để chống lại cái ác. Nếu mọi người trong chúng ta nỗ lực tìm hiểu sự thật từ các tài liệu do các học viên Pháp Luân Công phân phát, thì sự thật sẽ không còn bị che đậy và sức mạnh của lẽ phải và sự ngay thẳng sẽ được mở ra, khi đó tà ác và những lời dối trá của nó sẽ mất đi cái rễ chống đỡ và sụp đổ.
_____
[1] Higgins, Andrew. Tycoon prods Taiwan closer to China. The Washington Post. (2012.01.21).
[2] Walter Lippmann, Liberty and News. 1920. https://archive.org/details/ libertyandnews01lippgoog