Được thông qua bởi Đại hội đồng lần thứ 3 của Hiệp hội Y khoa Thế giới, London, Vương quốc Anh, tháng 10/1949
Được sửa đổi bởi Hiệp hội Y khoa Thế giới lần thứ 22, Sydney, Úc, tháng 08/1968,
Hiệp hội Y khoa Thế giới lần thứ 35, Venice, Ý, tháng 10/1983,
Đại hội đồng Hiệp hội Y khoa Thế giới lần thứ 57, Pilanesberg, Nam Phi, tháng 10/2006
và bởi Đại hội đồng Hiệp hội Y khoa Thế giới lần thứ 73, Berlin, Đức, tháng 10/2022

MỞ ĐẦU

Hiệp hội Y khoa Thế giới (WMA) đã phát triển Quy tắc Đạo đức Y khoa Quốc tế như một quy tắc về các nguyên lý đạo đức cho các thành viên y khoa trên toàn thế giới. Phù hợp với Tuyên ngôn Geneva của WMA: Lời Cam kết của Bác sĩ và toàn bộ chính sách của WMA xác định và làm rõ các nghĩa vụ chuyên môn của bác sĩ đối với bệnh nhân, với các bác sĩ và chuyên viên y tế khác, với chính bản thân họ, và với toàn xã hội. 

Bác sĩ phải nhận thức được các quy chuẩn và tiêu chuẩn đạo đức, pháp lý, và quy định hiện hành của quốc gia cũng như các quy chuẩn và tiêu chuẩn quốc tế có liên quan.

Những quy chuẩn và tiêu chuẩn đó không được làm giảm sự cam kết của bác sĩ đối với các nguyên tắc đạo đức được nêu trong Bộ Quy tắc này.

Quy tắc Đạo đức Y khoa Quốc tế phải được đọc toàn bộ và mỗi đoạn cấu thành phải được áp dụng cùng với việc xem xét tất cả các đoạn có liên quan khác. Kiên định với nhiệm vụ của WMA, Bộ quy tắc này được gửi đến các bác sĩ. WMA khuyến khích những người khác tham gia vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe áp dụng các nguyên tắc đạo đức này.

NGUYÊN TẮC CHUNG

1. Nhiệm vụ chính của bác sĩ là bảo vệ sức khỏe và hạnh phúc của mỗi bệnh nhân bằng cách cung cấp sự chăm sóc thành thục, nhanh chóng, và tận tình trong sự tuân thủ thực hành y khoa chất lượng và chuyên nghiệp.

Bác sĩ cũng có trách nhiệm đóng góp cho sức khỏe và hạnh phúc của cộng đồng mà họ phục vụ và của toàn xã hội, kể cả các thế hệ tương lai.

Bác sĩ phải cung cấp dịch vụ chăm sóc với sự tôn trọng cao nhất đối với sự sống và nhân phẩm của con người, cũng như quyền tự chủ và quyền của bệnh nhân.

2. Bác sĩ phải hành nghề y một cách công bằng, chính trực và cung cấp chăm sóc dựa trên nhu cầu sức khỏe của bệnh nhân mà không thiên vị hoặc có hành vi phân biệt đối xử dựa trên tuổi tác, bệnh tật hoặc khuyết tật, tín ngưỡng, dân tộc, giới tính, quốc tịch, đảng phái chính trị, chủng tộc, văn hóa, khuynh hướng tình dục, địa vị xã hội, hoặc bất kỳ yếu tố nào khác.

3. Bác sĩ phải cố gắng tận dụng các nguồn lực chăm sóc sức khỏe để mang lại lợi ích tối đa cho bệnh nhân, phù hợp với sự quản lý công bằng, chính trực, và phù hợp với các nguồn lực chung mà bác sĩ đang chịu trách nhiệm.

4. Bác sĩ phải hành nghề bằng lương tâm, sự trung thực, liêm chính, và chịu trách nhiệm, trong khi luôn luôn đưa ra các phán đoán chuyên môn độc lập và duy trì các tiêu chuẩn cao nhất trong việc hành nghề.

5. Bác sĩ không được để cho phán đoán chuyên môn của bản thân bị ảnh hưởng bởi lợi ích cá nhân hoặc lợi ích của tổ chức. Bác sĩ phải nhận ra và tránh những xung đột lợi ích thực tại hay tiềm ẩn. Trong trường hợp những xung đột đó là không thể tránh khỏi thì phải khai báo trước và giải quyết một cách phù hợp.

6. Bác sĩ phải chịu trách nhiệm về những quyết định y khoa của mình và không được thay đổi những nhận định chuyên môn đúng đắn theo những chỉ dẫn trái ngược với những xem xét y khoa.

7. Khi phù hợp về mặt y khoa, bác sĩ phải cộng tác với các đồng nghiệp khác có liên quan đến việc chăm sóc bệnh nhân hoặc những người có trình độ chuyên môn để đánh giá hoặc đề nghị các lựa chọn chăm sóc. Việc liên lạc này phải tôn trọng tính bảo mật của bệnh nhân và chỉ giới hạn ở những thông tin cần thiết.

8. Khi cấp chứng chỉ chuyên môn, bác sĩ chỉ được chứng nhận những gì tự thân bác sĩ đã kiểm nghiệm.

9. Bác sĩ nên  trợ giúp trong các trường hợp cấp cứu, đồng thời xem xét sự an toàn và năng lực của chính bác sĩ cũng như sự sẵn có của các lựa chọn chăm sóc khả thi khác.

10. Bác sĩ không bao giờ được tham gia hoặc tạo điều kiện cho các hành vi tra tấn hoặc các hình thức và hình phạt tàn ác, vô nhân đạo, hoặc hạ nhục khác.

11. Bác sĩ phải liên tục học hỏi trong suốt cuộc đời hành nghề để duy trì và nâng cao kiến thức, kỹ năng chuyên môn.

12. Bác sĩ nên cố gắng hành nghề y theo những cách giúp môi trường duy trì bền vững nhằm giảm thiểu rủi ro sức khỏe môi trường cho các thế hệ hiện tại và tương lai.

13. Trong việc chăm sóc y tế, bác sĩ phải tôn trọng phẩm giá, quyền tự chủ, và các quyền của bệnh nhân. Bác sĩ phải tôn trọng quyền của bệnh nhân trong việc tự do đồng ý hoặc từ chối chăm sóc phù hợp với các giá trị và sở thích của bệnh nhân.

14. Bác sĩ phải cam kết đặt sức khỏe và hạnh phúc của bệnh nhân lên hàng đầu và phải cung cấp dịch vụ chăm sóc vì lợi ích tốt nhất cho bệnh nhân. Khi làm như vậy, bác sĩ phải cố gắng ngăn ngừa hoặc giảm thiểu tác hại cho bệnh nhân và tìm kiếm sự cân bằng tích cực giữa lợi ích dự đoán và rủi ro tiềm ẩn cho bệnh nhân.

15. Bác sĩ phải tôn trọng quyền được thông báo của bệnh nhân về mọi giai đoạn của quá trình chăm sóc. Bác sĩ phải có sự đồng ý tự nguyện của bệnh nhân trước khi cung cấp bất kỳ dịch vụ chăm sóc y khoa nào, bảo đảm rằng bệnh nhân nhận và hiểu được thông tin cần thiết để đưa ra quyết định độc lập, sáng suốt về dịch vụ chăm sóc được đề nghị. Bác sĩ phải tôn trọng quyết định từ chối hoặc rút lại sự đồng ý của bệnh nhân vào bất kỳ lúc nào và vì bất kỳ lý do gì.

16. Khi khả năng ra quyết định của bệnh nhân bị hạn chế, suy giảm hoặc dao động, bác sĩ phải khuyến khích bệnh nhân tham gia vào các quyết định y tế càng nhiều càng tốt. Ngoài ra, bác sĩ phải làm việc với người đại diện đáng tin cậy của bệnh nhân (nếu có) để đưa ra quyết định phù hợp với sở thích của bệnh nhân, khi những điều đó đã được biết hoặc có thể được suy luận một cách hợp lý. Khi không thể xác định được sở thích của bệnh nhân, bác sĩ phải đưa ra quyết định vì lợi ích tốt nhất của bệnh nhân. Mọi quyết định phải được đưa ra phù hợp với các nguyên tắc được nêu trong Bộ quy tắc này.

17. Trong trường hợp khẩn cấp, khi bệnh nhân không thể tham gia vào việc ra quyết định và không có người đại diện, bác sĩ có thể bắt đầu can thiệp mà không cần có sự đồng ý trước vì lợi ích tốt nhất của bệnh nhân và tôn trọng sở thích của bệnh nhân, nếu biết.

18. Nếu bệnh nhân lấy lại được khả năng ra quyết định, bác sĩ phải có được sự đồng ý có nhận thức [từ bệnh nhân] để can thiệp thêm.

19. Bác sĩ nên quan tâm và giao tiếp với những người khác (nếu có) những người gần gũi với bệnh nhân, phù hợp với sở thích và lợi ích tốt nhất của bệnh nhân cũng như tôn trọng tính bảo mật của bệnh nhân.

20. Nếu bất kỳ khía cạnh nào trong việc chăm sóc bệnh nhân vượt quá khả năng của bác sĩ, bác sĩ phải tham khảo ý kiến hoặc giới thiệu bệnh nhân đến một bác sĩ hoặc chuyên gia có trình độ phù hợp và năng lực cần thiết.

21. Bác sĩ phải bảo đảm hồ sơ y tế chính xác và kịp thời.

22. Bác sĩ phải tôn trọng quyền riêng tư và bảo mật của bệnh nhân, ngay cả sau khi bệnh nhân đã tử vong. Bác sĩ có thể tiết lộ thông tin bí mật nếu bệnh nhân tự nguyện đồng ý hoặc, trong những trường hợp đặc biệt, khi việc tiết lộ là cần thiết để bảo vệ nghĩa vụ đạo đức quan trọng và nhấn mạnh là khi tất cả các giải pháp khả thi khác đã không còn hiệu quả, ngay cả khi bệnh nhân không hoặc không thể đồng ý. Việc tiết lộ này phải được giới hạn ở mức hạn chế thông tin cần thiết, người tiếp nhận và thời lượng.

23. Nếu bác sĩ thay mặt hoặc báo cáo cho bất kỳ bên thứ ba nào về việc chăm sóc bệnh nhân, bác sĩ đó phải thông báo cho bệnh nhân ngay từ đầu và trong quá trình giao tiếp, nếu thích hợp. Bác sĩ phải tiết lộ cho bệnh nhân biết bản chất và mức độ của những cam kết đó và phải có được sự đồng ý cho việc giao tiếp.

24. Bác sĩ phải tránh quảng cáo và tiếp thị mang tính bừa bãi hoặc không phù hợp và bảo đảm rằng tất cả thông tin được bác sĩ sử dụng trong quảng cáo và tiếp thị là thực tế và không gây hiểu lầm.

25. Bác sĩ không được cho phép các lợi ích thương mại, tài chính hoặc mâu thuẫn khác ảnh hưởng đến đánh giá chuyên môn.

26. Khi cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế từ xa, bác sĩ phải bảo đảm rằng hình thức liên lạc hợp lý và cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế cần thiết. Bác sĩ cũng phải thông báo cho bệnh nhân về lợi ích và hạn chế của việc nhận dịch vụ chăm sóc y tế từ xa, phải có sự đồng ý của bệnh nhân và bảo đảm giữ bí mật cho bệnh nhân. Bất cứ khi nào phù hợp về mặt y tế, bác sĩ phải hướng đến việc chăm sóc cho bệnh nhân thông qua tiếp xúc trực tiếp.

27. Bác sĩ phải duy trì ranh giới nghề nghiệp phù hợp. Bác sĩ không bao giờ được tham gia vào các mối quan hệ hoặc hành vi lạm dụng, bóc lột, hoặc không phù hợp với bệnh nhân và không được tham gia vào mối quan hệ tình dục với bệnh nhân hiện tại.

28. Để cung cấp dịch vụ chăm sóc ở tiêu chuẩn cao nhất, bác sĩ phải quan tâm đến sức khỏe, thể chất, và khả năng của chính mình. Điều này bao gồm việc tìm kiếm sự chăm sóc thích hợp để bảo đảm rằng bác sĩ có thể hành nghề một cách an toàn.

29. Quy tắc này thể hiện trách nhiệm đạo đức của bác sĩ. Tuy nhiên, có những tình huống rất khó xử về mặt đạo đức liên quan đến việc bác sĩ và bệnh nhân có thể có những niềm tin lương tâm sâu sắc nhưng lại mâu thuẫn nhau.

Bác sĩ có nghĩa vụ đạo đức để giảm thiểu sự gián đoạn trong việc chăm sóc bệnh nhân. Sự phản đối vì lương tâm của bác sĩ đối với việc cung cấp bất kỳ biện pháp can thiệp y tế hợp pháp nào chỉ có thể được thực hiện nếu bệnh nhân không bị tổn hại hoặc không bị phân biệt đối xử và nếu sức khỏe của bệnh nhân không bị nguy hiểm.

Bác sĩ phải thông báo ngay lập tức và tôn trọng bệnh nhân về sự phản đối này cũng như quyền của bệnh nhân được tham khảo ý kiến của một bác sĩ có trình độ khác và cung cấp đầy đủ thông tin để bệnh nhân có thể bắt đầu tham vấn một cách kịp thời.

30. Bác sĩ phải giao tiếp với các bác sĩ, chuyên gia y tế và nhân viên khác một cách tôn trọng và hợp tác mà không có thành kiến, quấy rối, hoặc phân biệt đối xử. Bác sĩ cũng phải bảo đảm rằng các nguyên tắc đạo đức được đề cao khi làm việc theo nhóm.

31. Bác sĩ nên tôn trọng mối quan hệ giữa bệnh nhân và bác sĩ đồng nghiệp và không can thiệp trừ phi một trong hai bên yêu cầu hoặc cần thiết để bảo vệ bệnh nhân khỏi bị tổn hại. Điều này không ngăn cản bác sĩ đề nghị các phương án hành động thay thế được xem là có lợi nhất cho bệnh nhân.

32. Bác sĩ phải báo cáo với cơ quan có thẩm quyền về các điều kiện hoặc hoàn cảnh cản trở bác sĩ hoặc các chuyên gia y tế khác cung cấp dịch vụ chăm sóc theo tiêu chuẩn cao nhất hoặc duy trì các nguyên tắc của Bộ quy tắc này. Điều này bao gồm bất kỳ hình thức lạm dụng hoặc bạo lực nào đối với bác sĩ và nhân viên y tế khác, điều kiện làm việc không phù hợp, hoặc các tình huống khác gây ra mức độ căng thẳng quá mức và kéo dài.

33. Bác sĩ phải tôn trọng bậc thầy và học trò [của mình].

34. Bác sĩ phải trợ giúp việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe công bằng và bình đẳng. Điều này bao gồm việc giải quyết sự bất bình đẳng trong y tế và chăm sóc, các yếu tố quyết định sự bất bình đẳng đó, cũng như vi phạm quyền của cả bệnh nhân và chuyên gia y tế.

35. Bác sĩ đóng vai trò quan trọng trong các vấn đề liên quan đến sức khỏe, giáo dục sức khỏe, và hiểu biết về sức khỏe. Để hoàn thành trách nhiệm này, các bác sĩ phải thận trọng khi thảo luận về những khám phá, công nghệ, hoặc phương pháp điều trị mới ở môi trường công cộng, không chuyên nghiệp, bao gồm cả phương tiện truyền thông xã hội và phải bảo đảm rằng tuyên bố của bản thân là chính xác về mặt khoa học và dễ hiểu.

Bác sĩ phải cho biết ý kiến của mình có trái ngược với thông tin khoa học dựa trên bằng chứng hay không.

36. Bác sĩ phải trợ giúp nghiên cứu y khoa đúng đắn phù hợp với Tuyên bố WMA của Helsinki và Tuyên bố WMA của Đài Bắc.

37. Bác sĩ nên tránh hành động theo cách làm suy yếu lòng tin của công chúng đối với nghề y. Để duy trì sự tin tưởng đó, các bác sĩ phải tuân thủ các tiêu chuẩn hành nghề chuyên môn cao nhất của bản thân và các bác sĩ đồng nghiệp và sẵn sàng báo cáo hành vi mâu thuẫn với các nguyên tắc của Bộ quy tắc này cho cơ quan có thẩm quyền.

38. Bác sĩ nên chia sẻ kiến thức và chuyên môn y tế vì lợi ích của bệnh nhân và sự tiến bộ của việc chăm sóc sức khỏe cũng như sức khỏe cộng đồng và toàn cầu.

39. Bác sĩ phải tuân theo, bảo vệ, và quảng bá các nguyên tắc đạo đức của Bộ quy tắc này. Bác sĩ phải giúp ngăn chặn các yêu cầu về đạo đức, pháp lý, tổ chức, hoặc quy định của quốc gia hoặc quốc tế làm suy yếu bất kỳ nghĩa vụ nào được nêu trong Bộ quy tắc này.

40. Bác sĩ phải trợ giúp các bác sĩ đồng nghiệp thực hiện các trách nhiệm được quy định trong Bộ quy tắc này và thực hiện các biện pháp để bảo vệ họ khỏi bị ảnh hưởng, lạm dụng, bóc lột, bạo lực, hoặc áp bức quá mức.

©2022 Hiệp hội Y khoa Thế giới. Đã Đăng ký Bản quyền. Tất cả các quyền sở hữu trí tuệ trong Quy tắc Đạo đức Y tế Quốc tế đều được trao cho Hiệp hội Y khoa Thế giới.