Chương 8:
Tẩy não: Tiêu diệt tinh thần và thể chất
Xia Yiyang (Hạ Nhất Dương)
Ngay từ ban đầu, cuộc đàn áp Pháp Luân Công của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã cho thấy nó không phải là hành động thực thi pháp luật, mà là một chiến dịch đàn áp tín ngưỡng mang tính chính trị. Mục tiêu cốt lõi của chiến dịch chính trị này là “chuyển hóa” đức tin tâm linh sâu sắc thông qua tra tấn tâm lý hoặc tẩy não một cách tàn bạo.
Lệnh chuyển hóa bằng hình thức tẩy não đến từ lãnh đạo cấp cao nhất
Trong vòng 20 ngày kể từ khi bắt đầu cuộc đàn áp vào ngày 20/07/1999, Ủy ban Trung ương ĐCSTQ đã ban hành hai tài liệu nhằm tẩy não các học viên Pháp Luân Công cũng là thành viên của ĐCSTQ. (1) Vào ngày 24/08/1999, Tổng Văn phòng Trung ương ĐCSTQ và Văn phòng Quốc vụ viện ban bố tài liệu thứ ba, mở rộng việc tẩy não đến tất cả các học viên Pháp Luân Công. Văn bản này nâng tầm quan trọng của việc tẩy não lên thành “biện pháp quan trọng hiệu quả giúp chiến thắng cuộc chiến chống lại Pháp Luân Công”.
Cả ba tài liệu đều quy định rằng, “nếu một người không đạt được ‘sự hiểu biết đúng đắn’, tức là không từ bỏ niềm tin vào ‘chân, thiện, nhẫn’, những nguyên lý cơ bản của Pháp Luân Công, thì người đó không thể được “thả tự do”, điều này không loại trừ cả những người đang tập luyện Pháp Luân Công vì mục đích sức khỏe”.
Người đứng đầu “Nhóm lãnh đạo Ủy ban Trung ương ĐCSTQ xử lý các vấn đề Pháp Luân Công” tiếp tục trực tiếp phụ trách thực thi tẩy não.
La Cán lúc đó là phó trưởng nhóm và sau này là trưởng nhóm lãnh đạo này đã có những bài phát biểu tập trung vào tẩy não và thúc đẩy mạnh mẽ “trải nghiệm trại cải tạo lao động Mã Tam Gia”(2) Vào tháng 09/2000, Phòng 610 Trung ương của ĐCSTQ—một cơ quan bí mật được thành lập với mục đích duy nhất là bức hại các học viên Pháp Luân Công – đã thành lập “nhóm chỉ đạo điều phối công tác giáo dục và chuyển hóa” để tập trung vào các hoạt động tẩy não trên toàn quốc. Đội này do Lý Đông Sinh, khi đó là phó giám đốc Phòng 610 Trung ương của ĐCSTQ lãnh đạo. Tháng 09/2009, ông Lý trở thành Giám đốc Phòng 610 Trung ương của ĐCSTQ và giữ chức vụ đó cho đến tháng 12/2013, khi ông ta bị thanh trừng và điều tra vì vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Tiêu chuẩn chuyển hóa
Chuyển hóa thông qua tẩy não không chỉ có nghĩa là từ bỏ việc tu luyện. Các tiêu chuẩn chuyển hóa đầu tiên được công bố trên Thông báo của “Hai Văn phòng” vào ngày 24/08/1999.(3) Sau đó, Trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia đưa ra một bộ tiêu chuẩn. Vương Mậu Lâm, người đứng đầu Phòng 610 Trung ương của ĐCSTQ, đã giới thiệu những tiêu chuẩn này tại “Hội nghị trao giải và chia sẻ công việc chuyển hóa và giáo dục của Bộ Tư pháp”, được tổ chức ngày 29/08/2000. Có năm tiêu chuẩn mà các học viên Pháp Luân Công phải tuân thủ: từ bỏ tu luyện, viết hối quá thư, nộp lại toàn bộ sách và tài liệu Pháp Luân Công, viết lời tuyên bố chống lại Pháp Luân Công cùng người sáng lập và chuyển hóa các học viên khác.
Nếu không đạt tiêu chuẩn thì không được coi là đã được chuyển hóa. Chuyển hóa là con đường dẫn đến sự khoan hồng, rút ngắn thời hạn, được tại ngoại bên ngoài nhà tù hoặc trại lao động và được trả tự do trước hạn.(4) Nói cách khác, việc cải tạo lao động không liên quan gì đến “hành vi trái pháp luật” mà ở đây là hoàn toàn nhắm vào đức tin. Vào tháng 09/2000, Phòng 610 Trung ương ĐCSTQ chính thức ban hành các tiêu chuẩn chuyển hóa Mã Tam Gia trên toàn quốc.(5)
Thất bại về hệ tư tưởng khó tránh khỏi dẫn đến bạo lực
Hệ thống trừng phạt của ĐCSTQ khác với các nước dân chủ vì yếu tố “cải cách tư tưởng”. Tuy nhiên, trong suốt quá trình cai trị của ĐCSTQ, việc tẩy não các học viên Pháp Luân Công khác với việc cải cách tư tưởng của các cuộc đàn áp chính trị cả về phương pháp được thủ phạm sử dụng và tác động của những phương pháp đó đối với các nạn nhân.
Hệ tư tưởng của ĐCSTQ là sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác-Lênin với tư tưởng Mao Trạch Đông. Trong những năm đầu cai trị, dư âm của “chiến thắng” Cách mạng khiến hệ tư tưởng của ĐCSTQ vẫn có sức mạnh để đồng thời lừa đảo và uy hiếp. Hầu hết những người được chuyển hóa (theo ĐCSTQ) đều không có nền tảng tín ngưỡng bền vững của riêng mình, nên đã thụ động tiếp nhận học thuyết mới; nhiều người khác đã ảo tưởng về ĐCSTQ, do đó đã cố gắng thuyết phục bản thân chuyển hóa, mặc dù họ không hoàn toàn tự nguyện.
Tuy nhiên, Pháp Luân Công thì hoàn toàn khác. Bộ môn này có cội nguồn từ nền văn hóa truyền thống Trung Hoa, Pháp Luân Công mang đến một loạt giá trị và thế giới quan hoàn toàn khác biệt; học viên được hưởng lợi từ việc tu luyện tâm và thân, nên sự tuyên truyền của ĐCSTQ không gây ảnh hưởng đến họ, cũng không khiến họ phải bối rối.
Mặt khác, trong khi việc áp dụng chủ nghĩa cộng sản trên khắp thế giới đã thất bại, ĐCSTQ đã rơi rụng phần lớn hệ tư tưởng ban đầu của mình, trở thành một tổ chức vụ lợi. Không thể chiếm được cảm tình của hầu hết người dân Trung Quốc, ĐCSTQ đã chuyển sang cải cách bằng bạo lực như tẩy não để duy trì quyền thống trị của mình. Các quan chức Đảng tin rằng họ có thể đè bẹp phong trào Pháp Luân Công chỉ trong vài ngày. Tuy nhiên, sự ngoan cường và lòng quả cảm của các học viên đã chứng thực một sức mạnh vô cùng to lớn.
Địa điểm và thủ phạm tẩy não
Nhà tù, trại lao động, trung tâm tẩy não, cơ quan và khu dân cư được ban hành chỉ tiêu chuyển hóa và được chỉ định nhân sự cụ thể để thực hiện. ĐCSTQ chọn các trại lao động làm địa điểm chuyển hóa hàng đầu.
Ngày 29/10/1999, Trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia, trước đó gọi là Trại lao động cải tạo Mã Tam Gia ở Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, đã thành lập “Lữ đoàn nữ số 2” để giam giữ các học viên Pháp Luân Công.(6) Đây là nơi đàn áp Pháp Luân Công khét tiếng nhất.
Kể từ khi bắt đầu, Trại lao động Mã Tam Gia đã được Phòng 610 Trung ương của ĐCSTQ lựa chọn là nơi tiến hành các thử nghiệm tẩy não. Các kỹ thuật và biện pháp lạm dụng được thí điểm tại Mã Tam Gia rồi sau đó truyền ra khắp Trung Quốc. Cựu giám đốc Văn phòng Tư pháp Thành phố Thẩm Dương là ông Hàn Quảng Sinh nói, Mã Tam Gia chỉ có một công cụ tẩy não— đó là dùi cui điện.(7) Tuy nhiên trên thực tế, Mã Tam Gia đã thực hiện hàng chục phương pháp tra tấn đối với các học viên Pháp Luân Công.
Bắc Kinh là một ví dụ điển hình. Theo tin tức trên các phương tiện truyền thông, thành phố “đã phải đối mặt với những khó khăn và thất bại to lớn trong việc chuyển hóa học viên Pháp Luân Công”. Cuối cùng, Cục Cải tạo Lao động Bắc Kinh đã “tìm ra cách để vượt qua khó khăn”.
Cục Cải tạo Lao động Bắc Kinh đã được nhận giải thưởng cao quý nhất từ Bộ Tư pháp cho các kỹ thuật tẩy não. Nó đã trở thành “đơn vị tiên tiến trong công tác chống Pháp Luân Công” ở Bắc Kinh. Hầu hết lính canh trong hệ thống lao động cưỡng bức của Trung Quốc không được đào tạo về các việc liên quan đến hệ tư tưởng. Làm thế nào các lính canh có trình độ kém nhất lại giải quyết được vấn đề mà tất cả các quan chức Đảng và các chuyên gia tư tưởng đều thất bại?
Vương Mậu Lâm, trưởng Phòng 610 Trung ương của ĐCSTQ đã đưa ra lời giải thích thực tế về thành công của Bắc Kinh: quản lý chặt chẽ, môi trường biệt lập và “cải tạo bằng lao động cưỡng bức”.(8) Những người quen thuộc với tình hình trại lao động ở Trung Quốc và các thuật ngữ của ĐCSTQ đều biết rằng thuật ngữ ‘lao động cưỡng bức’ ám chỉ bạo lực và tra tấn.
Vì sự cô lập cũng như bạo lực và tra tấn diễn ra trong các trại lao động không thể trực tiếp áp dụng vào xã hội năm 2000, Phòng 610 Trung ương của ĐCSTQ bắt đầu tổ chức “các buổi học” ở những địa điểm hẻo lánh khác. Năm 2001, những buổi học này được đổi tên thành “Trung tâm Giáo dục Pháp luật”, tức là các trung tâm tẩy não, và được quảng bá rầm rộ trên khắp cả nước.(9)
Các Trung tâm Giáo dục Pháp luật này giống như nhà tù và trại lao động nhưng do các cơ quan không thực thi pháp luật ở địa phương thành lập. Điều đáng chú ý là trong hơn 10 năm, hơn 400 trung tâm tẩy não như vậy đã được thành lập trên khắp Trung Quốc nhưng lại không thuộc bất kỳ cơ quan chính phủ nào hoặc cơ quan thực thi pháp luật nào, chúng cũng không thuộc bất kỳ tổ chức dân sự nào. Chúng không có tính hợp pháp và không hề được đăng ký ở bất cứ đâu. Không có văn bản nào được Đảng hoặc Nhà nước ban hành xác định quan hệ và sứ mệnh của những trung tâm này. Theo đó, chúng không chịu bất kỳ sự giám sát hay quy định pháp lý nào, nhân viên tại các trung tâm giáo dục phi pháp này được tự do bắt bớ, giam giữ, tra tấn và thậm chí tùy ý giết người.
Ngoài các cơ sở tẩy não lớn nói trên, tức là các trại lao động và trung tâm tẩy não, các quan chức của ĐCSTQ ở mọi cấp độ còn tích cực tiến hành tẩy não trong toàn xã hội. Quận Triều Dương ở Bắc Kinh từng có 720 đội được gọi là đội “hỗ trợ giáo dục”. Hơn nữa, theo kế hoạch của Trung ương ĐCSTQ, các doanh nghiệp, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên Cộng sản, cộng đồng khoa học, học giả và các nhà giáo dục đều tham gia vào hoạt động tẩy não các học viên Pháp Luân Công bằng cách này hay cách khác.
Bằng chứng tẩy não được ghi nhận trong suốt cuộc đàn áp
Từ trước khi cuộc đàn áp Pháp Luân Công trên toàn quốc bắt đầu vào tháng 07/1999 đã có những ghi nhận về hoạt động tẩy não đầu tiên. Sau cuộc thỉnh nguyện ôn hòa ngày 25/04/1999 của học viên Pháp Luân Công tại Bắc Kinh, các quan chức cấp cao nhất của ĐCSTQ đã điên cuồng chuẩn bị cho cuộc đàn áp. Cựu giám đốc Bệnh viện PLA 301, ông Lý Chí Hoa (李其华, Li Qihua), đã viết một lá thư về việc ông đã được hưởng lợi như thế nào về cả tinh thần và thể chất khi tu luyện Pháp Luân Công, cũng như pháp Luân Công có thể mang lại lợi ích như thế nào cho đất nước và người dân Trung Quốc. Bức thư có tựa đề “Sự hiểu biết nông cạn về Pháp Luân Công của một thành viên kỳ cựu của Hồng quân và ĐCSTQ”. Khi đọc được bức thư này, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương (CMC) Trương Vạn Niên (张万年Zhang Wannian) lúc đó đã ngay lập tức báo cáo với ông Giang Trạch Dân. Sau đó ông Giang đã viết một bức thư dài gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư và lãnh đạo Quân uỷ Trung ương.(10)
Sau đó vài ngày, ông Trương bắt đầu cử sĩ quan hàng ngày đến nói chuyện với ông Lý Chí Hoa. Họ đã cố gắng làm ông Lý từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Công bằng cách làm ông kiệt sức sau những cuộc trò chuyện không ngừng nghỉ. Cuối cùng, họ thậm chí còn mạo danh ông viết “hối quá thư”.(11) Bức thư Giang gửi trước đó đã trở thành văn bản chính thức do Văn phòng Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ (số[1999]19) ban hành ngày 23/05. Văn bản nêu chi tiết về sự chuyển hóa của các học viên Pháp Luân Công trong đội ngũ ĐCSTQ.(12)
Tháng 09/2000, phòng 610 Trung ương của ĐCSTQ đã ban hành “Hạng mục thực hiện cuộc chiến giáo dục và chuyển hóa”, để thực hiện chuyển hóa đối với tất cả các học viên Pháp Luân Công trên toàn quốc.(13)
Kể từ đó, tẩy não đã trở thành nhiệm vụ thường ngày quan trọng của mọi cấp ủy trong ĐCSTQ. Tỉnh Hà Bắc, một trong những khu vực tẩy não trọng điểm đã chi 15 triệu nhân dân tệ vào năm 2001 để thành lập các trung tâm tẩy não ở 11 thành phố và nhiều quận khác nhau.(14)
Ngày 25/04/2001, Ban Tổ chức Trung ương ĐCSTQ đã ban hành một tài liệu nêu chi tiết kinh nghiệm trong cuộc đấu tranh chống Pháp Luân Công của Trại lao động Mã Tam Gia, Cục Cải tạo Lao động Bắc Kinh và Ủy ban ĐCSTQ Thất Đài Hà của tỉnh Hắc Long Giang. Tài liệu này đặt trọng tâm vào việc chuyển hóa.(15)
Ngoài ra, Phòng 610 Trung ương ĐCSTQ còn tổ chức các chiến dịch đặc biệt. Năm 2010, nó bắt đầu “Kế hoạch tổng thể trong cuộc chiến chuyển hóa qua tấn công cải tạo 2010-2012”. Chiến dịch này gây ra một đợt tẩy não mới đối với các học viên Pháp Luân Công trên toàn quốc.(16)
Khi cuộc chiến kéo dài ba năm này kết thúc, Phòng 610 Trung ương ngay lập tức bắt đầu một cuộc chiến khác trong ba năm tiếp theo. Từ các mục tiêu đặt ra cho ba năm tiếp theo này, chúng ta có thể thấy rằng cuộc đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ đã thất bại. Ví như, có một khu vực đặt mục tiêu là “đến cuối năm 2015, con số đã ‘chuyển hóa’ giữ ổn định”. Một mục tiêu khác là đảm bảo rằng “trong giai đoạn đàn áp cuối cùng sẽ không có thêm thành viên Pháp Luân Công mới”.
Sự vô đạo đức của việc tẩy não
Đối với các quan chức Đảng và Nhà nước ở các cấp, việc chuyển hóa học viên Pháp Luân Công là bắt buộc và liên quan trực tiếp đến hiệu quả công việc của họ. Để đạt được mục tiêu của mình, phương pháp được sử dụng phổ biến nhất là tổ chức cho nhiều người nhắm vào một nạn nhân. Phương pháp này đã được đề xuất trong Thông báo của “Hai Văn phòng” vào tháng 8 năm 1999. Thông báo cho biết: “nên sử dụng phương pháp ‘1 đối 1, nhiều người đối 1’.”
Văn phòng khu phố Xuân Thành thuộc quận Lục Viên, thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm đã thực hiện phương pháp “6 đối 1” bằng cách huy động một quan chức khu phố, một quan chức thường trực, thư ký văn phòng khu phố, một sĩ quan cảnh sát, một thành viên trong gia đình và đồng nghiệp để ép một học viên Pháp Luân Công chuyển hóa. Một doanh nghiệp trực thuộc Tập đoàn Gang thép Thông Hóa ở tỉnh Cát Lâm lập kỷ lục với con số “20 đối 1”.(17)
Số lượng học viên Pháp Luân Công trong một khu vực được sử dụng làm cơ sở để tính tỷ lệ chuyển hóa. Những người trong trại lao động không được tính vào con số cơ sở. Vì vậy, để đạt được tỷ lệ chuyển hóa mục tiêu, một số vùng đã chuyển những học viên không chịu từ bỏ tu luyện đến các trại lao động hoặc kết án họ vào tù.
Ngày 17/01/2001, một học viên Pháp Luân Công là Lưu Diễm (Liu Yan) ở huyện Khánh An, tỉnh Hắc Long Giang bị bắt, bị đánh đập dã man rồi bị đưa đến Trại lao động cưỡng bức Hoài Hóa trong một năm rưỡi. Lúc đầu, trại lao động từ chối tiếp nhận do cô bị thương nặng. Cảnh sát đã phải “nài nỉ” thuyết phục trại lao động nhận cô. Ngày 21/07/2002, cô Lưu Diễm bị bức hại đến chết.
Để đạt được chỉ tiêu chuyển hóa, ông Lý Ngọc Mai (Li Yumei), Bí thư Đảng ủy Lai Vu của ĐCSTQ ở tỉnh Sơn Đông, phải hối lộ và ép buộc các trại lao động nhận các học viên Pháp Luân Công không chịu từ bỏ tu luyện. Nếu không, các trại sẽ không tiếp nhận họ vì tình trạng thể chất. Việc các quan chức hối lộ trại lao động nhận các học viên Pháp Luân Công để đáp ứng chỉ tiêu chuyển hóa là điều khá phổ biến.
Bởi vì các trung tâm tẩy não, trại lao động và nhà tù đều phải đáp ứng chỉ tiêu chuyển hóa nên họ đều dùng đến các phương pháp tra tấn để đạt được hạn ngạch của mình.
Lịch sử Trung Quốc quả thực đã có những chế độ chuyên chế, những hình phạt tập thể, đôi khi còn có cả hình phạt tru di cả gia tộc, nhưng không ai bắt người trong nhà giết nhau, hay ép người ta vì tư lợi mà phản bội thầy. Văn hóa truyền thống Trung Quốc dạy phải tôn sư trọng đạo, do đó có câu nói “Một ngày làm thầy, cả đời làm cha”. Học sinh cùng thầy được coi là cùng một gia đình.
Tuy nhiên, các thủ đoạn chuyển hóa được sử dụng để chống lại các học viên Pháp Luân Công đang buộc một người không chỉ bán đứng giáo viên và các bạn học của mình mà còn buộc họ phải tự buộc tội bản thân. Về cơ bản, sự chuyển hóa là sự tiêu diệt lương tri và tâm hồn của một người. Những người từ chối chuyển hóa liên tục bị tra tấn bằng các cách khác nhau. Dùng tra tấn để buộc một người từ bỏ tu luyện nhằm nâng cao tâm tính và đạo đức con người là một tội ác thực sự và là một hành động đáng xấu hổ đối với bất kỳ xã hội văn minh nào.
Bạo lực và tẩy não là rất phổ biến trong những năm đầu của cuộc đàn áp. Một quan chức cấp cao của ĐCSTQ tiết lộ với tờ Washington Post rằng giai đoạn đầu của cuộc đàn áp không hề thành công, mãi đến năm 2001, ĐCSTQ mới tìm được “cách tiếp cận hiệu quả”. Nó bao gồm ba khía cạnh: bạo lực, tuyên truyền áp lực cao và các lớp tẩy não . Chiến dịch chống Pháp Luân Công chỉ có hiệu quả khi sử dụng cả ba khía cạnh này, trọng điểm đặt vào các lớp tẩy não.
Tuy nhiên, ĐCSTQ không chỉ sử dụng tẩy não làm công cụ tiêu diệt Pháp Luân Công, mà còn lừa dối và ép buộc công chúng tin rằng Pháp Luân Công là nguy hiểm. ĐCSTQ dùng cách đó để lôi kéo sự ủng hộ cho các hành động bất hợp pháp của mình. Màn tuyên truyền lớn đầu tiên là vụ tự thiêu được dàn dựng trên Quảng trường Thiên An Môn vào ngày 23/01/2001 nhằm vu khống các học viên. Bạo lực và tẩy não đã trở thành một chính sách được thực hiện một cách có hệ thống.
Trong bầu không khí tuyên truyền rầm rộ, hình ảnh thân thể “bị cháy” của cô bé 12 tuổi Lưu Tư Ảnh và đoạn video những người bị gán là học viên Pháp Luân Công nói rằng họ sẽ lên thiên đường sau khi tự thiêu liên tục được phát sóng hết ngày này qua ngày khác. Sau sự kiện được dàn dựng, bạo lực và tẩy não đã trở thành chính sách được thực hiện có hệ thống. Khi mọi người bị lừa dối tin vào những lời bịa đặt của ĐCSTQ, thì tính hợp pháp của việc tẩy não bằng bạo lực được bảo đảm.(18)
Một học viên Pháp Luân Công là Trương Diệc Khiết (Zhang Yijie, 张亦洁) làm việc tại Bộ Ngoại thương và Hợp tác Kinh tế, nay gọi là Bộ Thương mại. Cô Trương bị đưa đến Trại lao động nữ Bắc Kinh và bị biệt giam trong một thời gian dài vì không chịu từ bỏ tu luyện.(19) Rất nhiều lần, cô bị nhốt trong một căn phòng nhỏ tối tăm trong nhiều ngày. Lần đầu tiên bị đưa đi biệt giam, Cô Trương đã bị cấm ngủ 18 ngày đêm. Lần thứ hai, để khiến cô ký vào bản “Hối quá thư” (giấy bày tỏ sự hối hận và tuyên bố từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công, hứa sẽ không bao giờ giao du với các học viên khác, không bao giờ đến Bắc Kinh thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công), lính canh đã buộc cô đứng trong 42 ngày đêm. Ngoài ra, cô Trương còn bị hạn chế ăn uống, cấm ngủ, hạn chế sử dụng nhà vệ sinh và các hình thức tra tấn khác. Cuối cùng, cô Trương gần như bị mù, không nói được và tóc bạc trắng. Nhưng cô chưa bao giờ từ bỏ niềm tin vào Pháp Luân Công.
Tin tức chính thức của ĐCSTQ xác nhận tồn tại việc sử dụng rộng rãi các hình thức tra tấn để tẩy não các học viên. Một trang web thuộc Cục Tư pháp Bắc Kinh đưa tin về việc chuyển hóa một học viên Pháp Luân Công trong Trại lao động nữ Bắc Kinh, trong đó viết: “[a]sau 16 ngày đêm làm việc không nghỉ, Du cuối cùng đã viết tuyên bố từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công….”
Bản chất vô nhân đạo của các hình thức chuyển hóa mà ĐCSTQ sử dụng đối với các học viên Pháp Luân Công được minh họa rõ ràng qua việc ép buộc thân nhân của học viên tham gia. Ngày 27 tháng 2 năm 2001, tại cuộc họp báo của Văn phòng Thông tin Hội đồng Nhà nước, Giám đốc Phòng 610 Trung ương của ĐCSTQ khi đó là Lưu Kính (Liu Jing) đã đưa ra một ví dụ lạnh người về một phụ nữ ở tỉnh Sơn Đông đã “tự nguyện” đưa chồng mình đến Trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia khét tiếng, và cầu xin lính canh “giúp đỡ” ông ấy!
Ông Lâm Trừng Đào (林澄涛 Lin Chengtao) là trợ lý nghiên cứu tại Trường Cao đẳng Y tế Liên minh Bắc Kinh thuộc Viện Khoa học Y học Cơ bản của Đại học Y Trung Quốc. Ông Lâm là một trong những nhà nghiên cứu chủ chốt của “Kế hoạch 863” và dự án của Ủy ban Y tế Trung Quốc. Vào tháng 10 năm 2001, vì từ chối từ bỏ Pháp Luân Công, ông bị đưa đến Trại lao động Đoàn Hà (Tuanhe) ở Bắc Kinh. Ông Lâm đã bị tra tấn với nhiều hình thức, bao gồm nhục hình, liên tục bị tẩy não bằng tấn công tâm lý, biệt giam và sốc điện bằng ba dùi cui điện 30.000 vôn cùng một lúc. Nhưng tất cả đều không thể khiến ông Lâm từ bỏ niềm tin vào Pháp Luân Công. Vào cuối năm 2001, vợ ông Lâm, người bị Trại lao động Tân An (Nữ) Bắc Kinh chuyển hóa, đã viết một lá thư cho Trại lao động Đoàn Hà đề nghị họ dùng dùi cui điện, đánh đập, kích động tinh thần và cấm ngủ để ép chồng cô phải chuyển hóa. Ông Lâm buộc bị ép đọc đi đọc lại lá thư của vợ. Cuối cùng ông không thể chịu đựng được sự tra tấn tinh thần như vậy và “phát điên”.(20)
Nghiêm khắc mà nói, tất cả học viên Pháp Luân Công bị bức hại đến chết đều là vì họ không chịu từ bỏ đức tin của mình. Dựa trên danh sách những người chết được công bố trên trang web minghui.org, cho đến ngày 30/04/2004, đã có 588 người chết tại các tỉnh Hắc Long Giang, Cát Lâm, Liêu Ninh, Sơn Đông và Hà Bắc. Số liệu thống kê này còn chưa đầy đủ và cho thấy, 232 người (40%) đã “từ chối chuyển hóa” và đây là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cái chết của họ. Trong số đó có 213 người (91,8%) bị tra tấn đến chết.
ĐCSTQ yêu cầu tất cả các học viên Pháp Luân Công phải đạt tỷ lệ chuyển hóa 100%. Chính sách như vậy buộc các học viên phải lựa chọn giữa việc từ bỏ đức tin của mình hoặc phải chịu đựng những hành vi tra tấn khủng khiếp. Đối với một tín đồ kiên định thì lựa chọn đầu là biểu thị cái chết về linh hồn, còn lựa chọn sau có thể dẫn đến cái chết về thể xác. Do đó, tẩy não là hành động tiêu diệt Pháp Luân Công có chủ ý.
Tẩy não thúc đẩy sự suy thoái đạo đức
Người đầu tiên thực hiện chiến dịch tẩy não trong hệ thống trại lao động là Chu Khải Đông (周凯东 Zhou Kaidong), cựu Cục trưởng Cục Cải tạo Lao động Bắc Kinh. Ông Chu sau đó bị kết án 15 năm tù vì nhận hối lộ.
Đây không phải là trường hợp cá biệt mà là một hiện tượng rất phổ biến. Những biến động gần đây trong nội bộ quan chức cấp cao của ĐCSTQ cho thấy tất cả những người đóng vai trò chủ chốt trong việc ra lệnh và tăng cường cuộc bức hại đều là những kẻ phạm tội. Tham nhũng lan tràn trong mọi tầng lớp của chính quyền, từ Giang Trạch Dân đến Chu Vĩnh Khang, cựu lãnh đạo Ủy ban Chính trị và Pháp luật cho đến Lý Đông Sinh, cựu trưởng Phòng 610 Trung ương của ĐCSTQ. Không có gì ngạc nhiên, theo lời của ông Vương Lập Quân, cựu giám đốc công an và phó thị trưởng thành phố Trùng Khánh, họ muốn “truy lùng và giết tất cả” các học viên Pháp Luân Công, những người tuân theo nguyên lý “chân, thiện và nhẫn”.
ĐCSTQ cố gắng sử dụng những cá nhân tha hóa về mặt đạo đức để chuyển hóa các học viên Pháp Luân Công (những người vốn chỉ khao khát trở thành người tốt và khoan dung) trở thành những cái xác rỗng tuếch và hư hỏng, giống như chính bản thân ĐCSTQ. Hàng năm, ĐCSTQ đều tổ chức khen thưởng những người tích cực tăng cường bức hại. Bằng cách tôn vinh những người dùng bạo lực thao túng người tốt, ĐCSTQ đã buộc người dân Trung Quốc phải sống trong một hệ thống bị đảo ngược hoàn toàn giá trị đúng sai.
_____
[1] Thư của Lý Lan Thanh gửi “Hội nghị chia sẻ kinh nghiệm cải tạo và khen thưởng của Bộ Tư pháp” (August 29, 2000)
[2] Bài phát biểu của La Cán tại “Hội nghị chia sẻ kinh nghiệm cải tạo và khen thưởng của Bộ Tư pháp” (August 29, 2000)
[3] Nhân dân Nhật báo, ngày 25/08/1999, trang 4. Thông báo từ Văn phòng Ủy ban Trung ương ĐCSTQ và Văn phòng Hội đồng Nhà nước về Cải thiện Giáo dục và Chuyển hóa Pháp Luân Công; http://www.peopledaily.com.cn/rmrb/199908/25/newfiles/wzb_19990825001026_4.html
[4] Bài phát biểu của Vương Mậu Lâm tại “Hội nghị chia sẻ kinh nghiệm cải tạo và khen thưởng của Bộ Tư pháp” (August 29, 2000)
[5] Ý kiến của Văn phòng Ban lãnh đạo Trung ương về việc xử lý các vấn đề Pháp Luân Công về việc phát động chiến dịch đàn áp tẩy não (September 22, 2000)
[6] sina.com, Ngày 15/06/2001, “Về đội trưởng Đội nữ số 2 trại lao động Mã Tam Gia, Tô Tĩnh”
[7] minghui.org, Ngày 04/07/2005, Cựu giám đốc Sở Tư pháp Thẩm Dương tiết lộ bí mật của Phòng 610;
http://www.minghui.org/mh/articles/2005/7/4/105408.html
[8] Bài phát biểu của Vương Mậu Lâm tại “Hội nghị chia sẻ kinh nghiệm cải tạo và khen thưởng của Bộ Tư pháp” (August 29, 2000)
[9] Ý kiến của Văn phòng Ban lãnh đạo Trung ương về việc xử lý các vấn đề Pháp Luân Công về việc phát động chiến dịch đàn áp cải tạo giáo dục (ngày 22/09/2000)
Ý kiến của Văn phòng Ban Lãnh đạo Trung ương về việc xử lý các vấn đề Pháp Luân Công về việc tăng cường công tác giáo dục và chuyển hóa. (Ngày 09/04/2001)
[10] Tiểu sử của Trương Vạn Niên
[11] minghui.org, Sự thật đằng sau tuyên bố tự buộc tội của Lý Kỳ Hoa trên tờ Nhân dân Nhật báo;
http://package.minghui.org/zhenxiang_ziliao/ziliao_huibian/fake_ report/2_24.html
[12] Thông báo của Văn phòng Tỉnh ủy Hà Bắc [1999 Số 21] Thực hiện theo Thông báo của Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc [1999 No.19]
[13] Ý kiến của Văn phòng Ban lãnh đạo Trung ương về việc xử lý các vấn đề Pháp Luân Công về việc phát động chiến dịch đàn áp cải tạo giáo dục (ngày 22/09/2000)
[14] Văn bản của Văn phòng Tỉnh ủy Hà Bắc [2002 No.5]
[15] Văn bản của Ban Tổ chức Trung ương ĐCSTQ về những kinh nghiệm trong cuộc đấu tranh chống Pháp Luân Công của Trại lao động Mã Tam Gia, Cục Cải tạo lao động Bắc Kinh và Ủy ban ĐCSTQ thành phố Thất Đài Hà, ngày 25/04/2001
[16] Báo cáo hàng năm của CECC, năm 2011
http://www.cecc.gov/publications/annual-reports/2011-annual-report
[17] Tất cả các tài liệu tham khảo trong phần này đều lấy từ báo cáo tại www.zhuichaguoji. org/node/123
[18] Tra tấn để phá vỡ Pháp Luân Công; Trung Quốc có hệ thống xóa bỏ nhóm: John Pomfret and Philip P. Pan. The Washington Post. Washington,
D.C.: Aug 5, 2001. pg. A.01
[19] minghui.org, Biên bản ghi chép về cuộc đàn áp Trương Nhất Kiệt của ĐCSTQ ; http://www.minghui.org/mh/articles/2008/9/3/185228.html
[20] minghui.org, Ngày 01/01/2003, “Tẩy não không ngừng tạo ra thảm kịch: học giả trẻ phát điên, người vợ bị tẩy não muốn tra tấn chồng”;http://www.minghui.org/mh/articles/2003/1/1/42004.html