Một Cuộc Bức Hại Tà Ác Chưa Từng Có: Tà ác chưa từng có đằng sau việc thu hoạch nội tạng cưỡng bức: Lựa chọn chết về tinh thần hay thể xác

Chương 12:

Tà ác chưa từng có đằng sau việc thu hoạch nội tạng cưỡng bức:
Lựa chọn chết về tinh thần hay thể xác

Torsten Trey

Tà ác chưa từng có và một thực hành y khoa điên rồ

Ai ai cũng đều coi trọng nhân phẩm, các quyền tự do cơ bản và quyền được sống trong hòa bình. Nghề y là để giúp con người chữa lành bệnh và kéo dài sự sống. Đây là sứ mệnh của nghề y. Lời thề y khoa nói rằng hành nghề y là không làm điều gây hại cho bệnh nhân. Vì vậy, thật kinh hoàng khi ngành y ở Trung Quốc đang tham gia vào việc cướp đi sinh mệnh của các tù nhân lương tâm nhằm mục đích thu hoạch và cấy ghép nội tạng. Nó vừa là một hành vi cấy ghép vụ lợi, vừa là một cách bức hại.

Một đạo luật của Trung Quốc được thông qua năm 1984 cho phép thu hoạch nội tạng từ các tù nhân, nhưng chỉ sau năm 1999, hoạt động cấy ghép nội tạng ở Trung Quốc mới tăng vọt. Các nội tạng cấy ghép đến từ đâu? Sau khi hàng triệu người theo tín ngưỡng và dân tộc thiểu số trở thành đối tượng bị tước mất quyền con người, bị tẩy chay và bị đàn áp, thì đạo luật năm 1984-giới hạn việc thu hoạch nội tạng từ tử tù đã mở rộng nguồn cung đến đối tượng còn lớn hơn—các tù nhân lương tâm. Nói tóm lại, ngành cấy ghép nội tạng ở Trung Quốc đã trở thành một chuyên ngành y khoa điên rồ; thật không thể hiểu nổi khi cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho một nhóm người này bằng cách cưỡng bức chấm dứt mạng sống của một nhóm người khác.

Kể từ năm 2006, nhiều báo cáo điều tra và bằng chứng được công bố cho thấy rằng các tù nhân lương tâm, đặc biệt là các học viên tu luyện Pháp Luân Công đang bị bức hại, là mục tiêu của nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức. Trong vòng 5 năm, đã có ba cuốn sách được xuất bản đàm luận về vấn đề này từ nhiều góc độ khác nhau bao gồm: Thu hoạch đẫm máu (2009), Nội tạng nhà nước(2012) và Đại thảm sát (2014). Các nhà điều tra đã biên soạn [các cuốn sách này] một cách thuyết phục, mặc dù [nội dung] chủ yếu là từ các chứng cứ gián tiếp. Tuy nhiên, kể từ tháng 07/2006, sau khi báo cáo của Kilgour và Matas lần đầu tiên được công bố (báo cáo này đã dẫn đến sự ra đời của cuốn sách “Thu hoạch đẫm máu” ba năm sau), đã không có cuộc thanh tra quốc tế nào được thực hiện đối với các trung tâm cấy ghép nội tạng tại Trung Quốc. Cho đến nay, Trung Quốc vẫn thất bại trong việc đưa ra câu trả lời thỏa đáng cho lượng lớn các bằng chứng thu thập được.

Thay vào đó, Diễn Đàn Y Học Trung Quốc (1) từ tháng 11 năm 2014 đã trích dẫn lời của Giáo sư Hà Hiểu Thuận (He Xiaoshun) tại một cuộc họp báo khi ông thảo luận với Giáo sư, cựu phó Bộ trưởng Bộ Y tế Trung Quốc là ông Hoàng Khiết Phu (Huang Jiefu) về việc yêu cầu điều tra thêm, “Chúng ta hãy mở cửa, và hãy để các học giả quốc tế đến điều tra những tin đồn này [về việc thu hoạch nội tạng vô đạo đức]”. Giáo sư Hoàng trả lời: “Vẫn chưa đến lúc”. Nếu thời điểm đó là chưa đến lúc thì bao giờ mới đến lúc? Họ đang chờ đợi điều gì?

Nỗ lực lừa dối

Vào ngày 27/06/2001, bác sĩ phẫu thuật người Trung Quốc là ông Vương Quốc Kỳ (Wang Guoqi) đã làm chứng trước Tiểu ban Hoạt động Quốc tế và Nhân quyền của Hạ viện Hoa Kỳ rằng nội tạng ở Trung Quốc đã được thu hoạch từ các tù nhân sau khi bị hành quyết. (2) Vào ngày 29/06/2001, tờ New York Times đã dẫn lời của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc là bà Chương Khởi Nguyệt (Zhang Qiyue) rằng lời khai của bác sĩ Vương là “những lời dối trá giật gân” và là “một lời vu khống xấu xa” chống lại Trung Quốc. Bà nói: “Nguồn nội tạng chủ yếu đến từ sự hiến tặng tự nguyện của công dân Trung Quốc”.

Năm 2006, tờ The Guardian đưa tin rằng vào tháng 12 năm trước tại Manila, ông Hoàng “ lần đầu tiên chính thức thừa nhận rằng nước này đã thu hoạch nội tạng từ các tử tù”. (3) Vào tháng 11/2006, tại Quảng Châu, ông Hoàng nhắc lại rằng hầu hết nội tạng cấy ghép là từ các tử tù, một số ít là từ các nạn nhân tai nạn giao thông, điều này hoàn toàn trái ngược với tuyên bố trước đây của bà Chương.

Năm 2007, một năm trước Thế vận hội Olympic Bắc Kinh, tại Đại hội thường niên của Hiệp hội Y khoa Thế giới (WMA) ở Copenhagen, WMA đã công bố một đồng thuận với Hiệp hội Y khoa Trung Quốc (CMA). CMA tuyên bố rằng “nội tạng của tù nhân và những người bị giam giữ khác không được phép sử dụng để cấy ghép, ngoại trừ cấp ghép cho các thành viên trực hệ trong gia đình của họ”. (4) Trong thư gửi WMA, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký của CMA là Tiến sĩ Ngô Minh Giang (Wu Mingjiang) cho biết:

Đã đạt được sự đồng thuận… rằng nội tạng của tù nhân và những người bị giam giữ khác không được phép sử dụng để cấy ghép, ngoại trừ cấp ghép cho các thành viên trực hệ trong gia đình của họ

Tuy nhiên, sau năm 2007, số ca cấy ghép nội tạng tại Trung Quốc được báo cáo vẫn ở mức cao, lên tới 10,000 ca mỗi năm. Năm 2012, tờ Washington Post trích dẫn lời của Bộ Y tế Trung Quốc tuyên bố rằng “có 10,000 phẫu thuật ghép tạng được thực hiện mỗi năm” và rằng trong đó có 65% số ca ghép được thực hiện với nguồn tạng là từ các tử tù. Một điều không thể là hàng chục nghìn bệnh nhân được cấy ghép sau năm 2007 đều là “thành viên trực hệ trong gia đình” của các tử tù.

Năm 2009, tờ The Telegraph dẫn lời ông Hoàng nói rằng các phạm nhân chờ bị hành quyết “chắc chắn không phải là nguồn cung cấp nội tạng thích hợp để cấy ghép”. (5) Vào ngày 17/05/2013, một bài báo của tờ Associated Press đã trích lời ông Hoàng tại một hội nghị ở Bắc Kinh, nói rằng việc thu thập nội tạng từ các tử tù là “vụ lợi, vô đạo đức và vi phạm nhân quyền”. (6) Nhưng chỉ ba ngày sau, vào ngày 20/05, trong một cuộc phỏng vấn với Đài truyền hình ABC của Úc, khi được hỏi về việc sử dụng tù nhân làm nguồn cung cấp nội tạng, ông Hoàng đã nói:

Tại sao quý vị lại phản đối? Tôi không phản đối việc sử dụng nội tạng được hiến tặng của tử tù nếu chứng minh được rằng đây là di nguyện cuối cùng của họ(7)

Vào tháng 03/2012, ông Hoàng nói rằng Trung Quốc sẽ thiết lập một chương trình hiến tạng và hứa sẽ chấm dứt sự phụ thuộc của Chính phủ vào nguồn tạng từ tử trong vòng 3 đến 5 năm.(8)

Tám tháng sau, vào tháng 11/2012, ông Hoàng nói: “Trung Quốc sẽ chấm dứt việc phụ thuộc vào nguồn tạng từ tử tù trong vòng một đến hai năm”. (9) Sau đó vào tháng 03/2014, ông Hoàng tuyên bố, “tử tù cũng là công dân. Chúng ta không thể tước bỏ quyền hiến tạng của họ”, ám chỉ rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục sử dụng nội tạng của các tù nhân. Ông cũng tuyên bố rằng, một khi các tù nhân bị hành quyết được đưa vào Hệ thống Đáp ứng Ghép Tạng Trung Quốc (COTRS) dưới dạng hiến tặng của công dân, thì sẽ chỉ có một khái niệm, đó là hiến tặng của công dân.(10)

Từ năm 2001 đến năm 2014, các quan chức Trung Quốc liên tục đưa ra những tuyên bố trái ngược nhau về nguồn cung của nội tạng cấy ghép. Sự nhập nhằng này đã đánh lạc hướng và lừa dối cộng đồng quốc tế, nó cho thấy rõ ràng rằng những bảo đảm của Trung Quốc là không đáng tin cậy. Trong bối cảnh này, nhận xét của ông Hoàng rằng “ vẫn chưa đến lúc” là không có gì đáng ngạc nhiên. Trung Quốc đang câu giờ.

Sự nhập nhằng của Trung Quốc không phải là ngẫu nhiên. Đó là cố ý. Nó gây ra sự nhầm lẫn, làm xao nhãng sự chú ý vào sự báo cáo không đầy đủ về nạn thu hoạch nội tạng từ các tù nhân lương tâm, đồng thời ngăn cản cộng đồng quốc tế tìm kiếm các cuộc điều tra và thanh tra bên ngoài đối với các bệnh viện Trung Quốc. Bất kỳ sự chậm trễ nào trong việc yêu cầu thanh tra quốc tế đều dẫn đến sự chậm trễ việc thực hiện trách nhiệm nghề nghiệp của chúng ta: chấm dứt tình trạng lạm dụng y tế kinh hoàng này. Sự chậm trễ của chúng ta phải trả giá bằng mạng sống nhiều người. Không có nghi ngờ gì về việc các tổ chức và Quan chức phương Tây đang thể hiện sự kiên nhẫn, nhưng những việc làm quá nhỏ trong vòng 14 năm sau lời chứng nhận của bác sĩ Vương đã trải đường cho việc thực hiện hơn 150.000 ca cấy ghép với nguồn tạng từ các tử tù và tù nhân lương tâm với số lượng tương đương.

Chết về tinh thần bằng cách bị buộc phải từ bỏ đức tin của mình, hoặc chết về thể xác bằng cách bị buộc phải từ bỏ mạng sống cho cấy ghép là một thực tế nghiệt ngã đối với các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc. Trong khi thủ phạm bắt họ lựa chọn chết về tinh thần hay thể xác, thì những người ở thế giới tự do có quyền lựa chọn làm hoặc không. Nạn cướp tạng đồng loại để cấy ghép ở Trung Quốc hiện nay là chưa từng có trong lịch sử và đòi hỏi phải có những hành động chưa từng có.

Một trong số những hành động đó là sự thành lập một tổ chức Y tế phi chính phủ là hiệp hội “Các bác sĩ Chống thu hoạch nội tạng cưỡng bức (DAFOH). DAFOH tập trung vào một chủ đề hẹp trong lĩnh vực cấy ghép: thu hoạch nội tạng cưỡng bức mà không có sự đồng thuận tự nguyện của người hiến tạng. Hơn nữa, vấn đề cốt lõi là việc cố ý gây ra cái chết cho “người hiến tạng”, đã làm lung lay nền tảng của y học và cộng đồng y tế cũng không thể làm ngơ.

Lời kêu gọi chấm dứt việc giết người để lấy nội tạng không phải là can thiệp vào công việc nội bộ của một quốc gia – mà là một nghĩa vụ đạo đức

Ở một quốc gia mà các phán quyết được biết là đã được quyết định trước khi mở phiên tòa, nơi mà các luật sư bào chữa bị cấm bào chữa cho các tử tù và nơi mà các tòa án chấp thuận việc thu hoạch nội tạng sau khi hành quyết, thì không có luật pháp nào cả. Do đó, nếu chúng ta nói về các thực trạng của Trung Quốc một cách hoàn toàn thẳng thắn, thì thuật ngữ “thu hoạch nội tạng sau khi hành quyết” nên được thay thế bằng “giết người để lấy nội tạng do nhà nước hậu thuẫn”. Nghĩa vụ đạo đức của chúng ta là kêu gọi chấm dứt loại cấy ghép đang tham gia vào các hành vi lạm dụng như vậy.

Sự gia tăng theo cấp số nhân của số ca cấy ghép trong vòng bốn năm sau khi cuộc đàn áp Pháp Luân Công bắt đầu là điều đáng chú ý. Tại sao môn tu luyện này lại trở thành đối tượng của hành vi lạm dụng này? Các học viên Pháp Luân Công mong muốn nâng cao đạo đức của bản thân bằng cách tuân theo các nguyên lý phổ quát: Chân, Thiện và Nhẫn. Sau tháng 7 năm 1999, họ đã trở thành đối tượng bị tẩy não, lao động cưỡng bức và tra tấn. Cái chết do tra tấn của các học viên Pháp Luân Công xảy ra trên khắp Trung Quốc.

Chỉ cần giành một vài phút lướt qua trang web www.faluninfo.net cũng sẽ được cung cấp những hiểu biết sâu sắc về mức độ tàn bạo của cuộc bức hại. Vấn đề cơ bản là một khi sự tôn trọng con người bị mất, quyền được sống và quyền tín ngưỡng bị từ chối thì không còn gì nữa. Từ phía của thủ phạm mà nói, thì thực sự không có sự khác biệt giữa cái chết do tra tấn và việc giết tù nhân lương tâm để lấy nội tạng, ngoại trừ việc, trong trường hợp sau, thủ phạm có thể biến cơ thể của hàng chục nghìn tù nhân lương tâm thành lợi nhuận vài tỷ đô la.

Với báo cáo của Kilgour và Matas năm 2006, tội ác không thể tưởng tượng nổi của Trung Quốc đã bị mất đi vỏ bọc. Các cuộc điều tra trong những năm qua đã thu thập được nhiều bằng chứng thuyết phục, mỗi bằng chứng giống như một mảnh ghép. Và cũng giống như một trò chơi xếp hình, khi càng có nhiều mảnh ghép thì bức tranh sẽ càng trở nên rõ ràng, những điều trước đây đã từng chỉ là những lời cáo buộc thì giờ đây nó đã trở thành thực tế không thể bác bỏ. Từ chối nhận ra bức tranh chỉ vì thiếu năm hoặc mười mảnh ghép cuối cùng cũng tương đương với sự mê muội. Báo cáo ban đầu của Kilgour và Matas có 17 bằng chứng, ba năm sau, cuốn sách Thu Hoạch Đẫm Máu (2009) của họ đã ghi nhận được hơn 50 bằng chứng. Các báo cáo bổ sung và các công trình được công bố với bằng chứng mới đã xuất hiện trong nhiều năm sau, trong khi Trung Quốc vẫn còn đang lảng tránh. Thay vì để chứng minh những cáo buộc là sai chỉ đơn giản bằng cách cho phép thanh tra từ quốc tế, Trung Quốc lại đưa ra một loạt thông báo và hứa hẹn để đánh lạc hướng công chúng. Các biện pháp lừa dối của chính quyền Trung Quốc đã thành công trong việc ngăn cản cộng đồng quốc tế kêu gọi thanh tra các bệnh viện và trại giam tại quốc gia này.

Nghiên cứu thí điểm của DAFOH vào năm 2014 đã xem xét hiện tượng khám sức khỏe rộng rãi đối với các học viên Pháp Luân Công trong các trại lao động cưỡng bức ở Trung Quốc. Những trại lao động đó, về bản chất là bóc lột lao động cưỡng bức mà không trả lương tương xứng. Tuy nhiên, theo số lượng lời khai thu thập được trong nghiên cứu, thì có vẻ như hàng chục nghìn cuộc khám sức khỏe tốn kém đã được áp dụng chủ yếu là đối với các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ trong các trại lao động cưỡng bức. (11) Việc khám sức khỏe là cưỡng bức lên các học viên, họ đã không yêu cầu hoặc không đồng ý. Thay vào đó, việc lấy máu của tù nhân khi họ đến trại lao động là thường quy. Những xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, chụp X-quang, siêu âm, v.v., là rất tốn kém. Nếu sức khỏe của tù nhân là mối quan tâm, tại sao không phải là việc đơn giản như cung cấp thức ăn và nước sạch, nhà vệ sinh sạch và lao động cưỡng bức dưới 17 giờ mỗi ngày? Việc khấu trừ chi phí y tế thông qua cấy ghép nội tạng chắc chắn sẽ giúp cân đối dòng tiền và giúp cung ứng đủ số lượng nội tạng.

Tại sao Pháp Luân Công bị bức hại trong khi họ không vi phạm bất kỳ luật nào và không gây ra bất kỳ tổn hại nào? Lý do của cuộc đàn áp và nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức xuất hiện theo sau là do các nguyên lý tốt đẹp mà môn tu luyện này đại diện: Chân, Thiện, Nhẫn, vốn đối lập trực tiếp với hệ tư tưởng của Đảng Cộng sản:

  • Trong khi Pháp Luân Công hướng tới sự trung thực thì những lý luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lại dựa trên những thông tin sai lệch, tuyên truyền và lừa dối.
  • Trong khi một bên khao khát lòng tốt và thiện lương thì bên kia lại rao giảng đấu tranh giai cấp, tước đoạt đất nông nghiệp và cai trị bằng bạo lực.
  • Trong khi người thì khoan dung, kẻ thì trừng phạt những ai có quan điểm hoặc suy nghĩ khác với đường lối của Đảng.

Khía cạnh duy nhất của sự bất tuân dân sự của các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc nằm ở mong muốn được tự do thực hành đức tin vào Chân, Thiện, Nhẫn và tự do luyện tập một bộ năm bài công pháp nhẹ nhàng giống như khí công. Bên ngoài Trung Quốc, sự việc này không được coi là bất tuân dân sự mà là một đóng góp quý giá, đáng khen ngợi cho xã hội. Liên quan đến điều này, để trả lời cho câu hỏi tại sao Pháp Luân Công lại bị đàn áp ở Trung Quốc và bị thu hoạch nội tạng cưỡng bức, chúng ta có thể dùng câu nói của Henry David Thoreau:
Dưới một chính quyền mà nó có thể bỏ tù bất kỳ ai một cách bất công, thì nơi thực sự dành cho một người chính nghĩa cũng lại là nhà tù.”(12)

Dưới chế độ toàn trị ở Trung Quốc, nơi mà pháp luật không tồn tại và các bản án được tòa phán quyết trước khi mở phiên tranh tụng, thì chúng ta có nhiều khả năng thấy những người chính nghĩa bị ngồi tù. Pháp Luân Công chứa đựng những nguyên lý quý giá nhất cho nhân loại, và kể từ năm 1992 trở đi, không thể phủ nhận rằng bộ môn này đã làm được nhiều điều vì phẩm giá con người và lợi ích của nhân loại hơn ĐCSTQ. Sự căm ghét của chính quyền Trung Quốc đối với Pháp Luân Công và những người tốt bụng có tư tưởng tự do khác không phải chỉ là vấn đề của riêng Pháp Luân Công hoặc của riêng nhóm người nào đó. Mà đó là vấn đề giữa ĐCSTQ với toàn nhân loại. Chính quyền Trung Quốc ra điều kiện cho các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ là: từ bỏ niềm tin tự do của mình hay là chịu khổ. Đây cũng là sự lựa chọn mà ĐCSTQ dành cho người dân thế giới.

Giết người để lấy nội tạng là trái ngược với mọi điều mà nhân loại và nghề y đại diện.

Khi mạng sống con người và các nguyên tắc phổ quát bị lay động, thì việc lên tiếng và kêu gọi chấm dứt nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức không chỉ là một quyền cơ bản, mà nó còn là một nghĩa vụ đạo đức. Kêu gọi chấm dứt nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức của các học viên Pháp Luân Công và các tù nhân lương tâm khác đòi hỏi phải kêu gọi chấm dứt cuộc đàn áp. Nhân phẩm và các quyền cơ bản không giới hạn ở một quốc gia. Theo định nghĩa thì chúng là điều vốn có của nhân loại. Khẳng định của Trung Quốc rằng thảo luận về nhân quyền là can thiệp vào công việc nội bộ của một quốc gia là biểu hiện đạo đức giả một cách trắng trợn: bằng cách đàn áp các quyền cơ bản của con người và các sáng kiến ​​toàn cầu nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống, chính quyền Trung Quốc đã can thiệp vào công việc nội bộ của người dân thế giới và các quốc gia của họ.

Kêu gọi chấm dứt nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ các học viên Pháp Luân Công và các tù nhân lương tâm khác là quyền cơ bản của tất cả mọi người, và chính quyền Trung Quốc nên kiềm chế hành vi can thiệp vào công việc nội bộ của người dân thế giới. Cuộc đàn áp Pháp Luân Công và ba nguyên lý của bộ môn này là một cuộc đàn áp chống lại điều tốt của nhân loại. Động cơ đằng sau nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức của Trung Quốc là tội ác chưa từng có và đòi hỏi nhân loại phải có hành động kiên quyết chưa từng có. Đó là sự lựa chọn vì sự sống.

_____

[1] http://www.cmt.com.cn/detail/623923.html&usg=ALkJrhj1Ume7SWS_ 04UtatL3pWKYRbFxqw (last accessed Nov 21, 2014)

[2] http://waysandmeans.house.gov/legacy/trade/107cong/7-10-01/7-10w olf.htm (last accessed Nov 12, 2014)

[3] http://www.theguardian.com/world/2006/apr/19/china.health (last accessed Nov 12, 2014)

[4] Peter O’Neil; China’s doctors signal retreat on organ harvest; Canadian Medical Association Journal; 2007 November 20; 177(11): 1341. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2072972/ (last accessed Nov 12, 2014)

[5] http://www.telegraph.co.uk/news/worldnews/asia/china/6094228/China- admits-organs-removed-from-prisoners-for-transplants.html (last accessed Nov 12, 2014)

[6] http://bigstory.ap.org/article/cultural-attitudes-impede-organ-donations-china (last accessed Nov 12, 2014)

[7] http://www.abc.net.au/news/2013-05-20/chinese-doctor-hits-back-at- critics-over-organ-donation-program/4701436 (last accessed Nov 12, 2014)

[8] http://news.qq.com/a/20120322/001592.htm (last accessed Nov 12, 2014)

[9] http://finance.chinanews.com/jk/2012/11-21/4347626.shtml (last accessed Nov 12, 2014)

[10] http://news.sciencenet.cn/htmlnews/2014/3/289619.shtm (last accessed Nov 12, 2014)

[11] https://dafoh.org/implausible-medical-examinations-falun-gong- forced-labor-camp-workers/ (last accessed Nov 12, 2014)

[12] Henry Thoreau, Civil Disobedience and Other Essays; http://www. brainyquote.com/quotes/quotes/h/henrydavid135750.html (last accessed Nov 12, 2014)