Tiếng nói của Điều dưỡng trong Đạo đức Cấy ghép - Lòng dũng cảm về Đạo đức

Deborah Collins-Perrica APRN, DAFOH

Trong những tháng gần đây, DAFOH, với sứ mệnh nâng cao nhận thức, loan báo số lượng điều dưỡng ghi danh từ khắp nơi trên thế giới đã tăng lên. Những điều dưỡng này đã chung tay dũng cảm hành động ở cấp độ quốc tế để giúp chấm dứt nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức phi đạo đức.

Ghép tạng là một trong những lĩnh vực thách thức nhất về mặt đạo đức của y học và thực hành điều dưỡng hiện đại. Có nhiều khía cạnh cần quan tâm, trong đó có nạn buôn bán nội tạng ở một số khu vực trên thế giới, nhưng có một vấn đề vượt xa nạn buôn bán nội tạng người: đó là thu hoạch nội tạng cưỡng bức phi đạo đức từ các tù nhân và tù nhân lương tâm bị giam giữ ở Trung Quốc. Cuộc khủng hoảng nhân đạo khẩn cấp này đứng đầu danh sách các vấn đề gây lo ngại hàng đầu. Việc vi phạm thỏa thuận chung về hiến tạng miễn phí, tự nguyện, và vị tha đã xảy ra trong hơn ba thập niên ở Trung Quốc. Điều này liên quan trực tiếp đến các điều dưỡng và với vai trò chuyên môn, các điều dưỡng đang hành động để chống lại điều này như một trong những hành vi vi phạm đạo đức y tế nghiêm trọng nhất trong thời hiện đại.

Thu hoạch nội tạng cưỡng bức phi đạo đức, từng là một mối lo ngại trong y khoa, đã thu hút sự chú ý và lên án trên toàn cầu khi các bệnh nhân cần nội tạng cấy ghép rời khỏi nhà và đi du lịch đến các quốc gia khác với tư cách là du khách ghép tạng để tìm kiếm phương pháp điều trị nhanh chóng theo đơn đặt hàng. Mặc dù vấn đề này xảy ra ở một số quốc gia, nhưng chỉ có ở Trung Quốc, nơi mà việc này được luật pháp chấp thuận và được áp dụng rộng rãi, mang lại lợi nhuận được sử dụng có mục đích để tăng ngân sách tài chính cho các bệnh viện do quân đội điều hành trong nước. Ngoài sự phụ thuộc vào các tội phạm bị hành quyết để lấy nội tạng ở Trung Quốc, điều kinh khủng hơn nữa là việc thu hoạch nội tạng chưa từng có này lấy từ các tù nhân lương tâm, những người vô tội có suy nghĩ hoặc niềm tin tâm linh khác với chính quyền của họ.

Vận động điều dưỡng

Mùa xuân năm 2015, các điều dưỡng thành viên của DAFOH đã công bố những bài báo về chủ đề này trên hai tập san quốc tế có uy tín về y học và điều dưỡng: “Ghép tạng ở Trung Quốc: Vẫn còn mối lo ngại” đăng trên The Lancet; và “Điều dưỡng kêu gọi sự chú ý đến vấn đề thu hoạch nội tạng cưỡng bức: Thực hành phi đạo đức phổ biến ở Trung Quốc,” trong tập san Suy ngẫm về vai trò lãnh đạo điều dưỡng của Hiệp hội Điều dưỡng Danh dự Quốc tế (STTI).

Tháng 06/2015, các điều dưỡng và bác sĩ của DAFOH đã tham gia cùng những người ủng hộ khác chống lại nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức ở Hoa Thịnh Đốn, đến thăm các dân biểu Quốc hội để cung cấp thông tin mới nhất về cuộc khủng hoảng nhân quyền này, và yêu cầu đồng tài trợ cho một nghị quyết lưỡng đảng gần đây đã được giới thiệu lại tại Quốc hội, Nghị quyết Hạ viện 343 liên quan đến thu hoạch nội tạng cưỡng bức .

Quốc hội khóa 114 hiện tại tự hào có năm điều dưỡng chính quy làm thành viên Hạ viện: Karen Bass (Dân Chủ-California-37), Diane Black (Cộng Hòa-Tennessee-06), Lois Capps (Dân Chủ-California-24), Renee Elmers (Cộng Hòa-North Carolina NC-02) và Eddie Bernice Johnson (Dân Chủ-Texas-30). Tất cả những dân biểu này đều chào đón các điều dưỡng của DAFOH đến văn phòng của họ theo lịch hẹn để thảo luận về việc nâng cao nhận thức và nhu cầu cấp thiết phải thông qua luật bảo vệ nhằm chấm dứt những hành vi tàn bạo về nhân quyền này ở Trung Quốc và ngăn chặn sự thông đồng ở Hoa Kỳ.

Tại thủ đô Seoul, Nam Hàn, các điều dưỡng của DAFOH đã tổ chức một gian triển lãm giáo dục thành công, thu hút gần 10,000 điều dưỡng, bác sĩ, và nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại Hội nghị điều dưỡng Quốc tế năm 2015. Vai trò của điều dưỡng ủng hộ nhân quyền ở các quốc gia khu vực Đông Á hoàn toàn trái ngược với các đồng nghiệp ở các quốc gia phương Tây do sự khác biệt về văn hóa khiến các điều dưỡng ởa châu Á không muốn lên tiếng (Corfee 2015). Bất bình đẳng giới, hình ảnh phụ nữ làm điều dưỡng và văn hóa Nho giáo thường ngăn cản những điều dưỡng này và hiệp hội điều dưỡng của họ có tiếng nói. Trải nghiệm sống động của các điều dưỡng tham gia vào hoạt động man rợ đằng sau bức màn sắt ở Trung Quốc đại lục vẫn chưa được biết đến. Các tổ chức điều dưỡng phương Tây có thể cung cấp sự trợ giúp cần thiết.

Các điều dưỡng tổ chức gian hàng giáo dục điều dưỡng DAFOH tại
Hội nghị Điều dưỡng Quốc tế, ICN, tại Seoul, Nam Hàn.

Khi Hiệp hội Điều dưỡng Hoa Kỳ kêu gọi 3.1 triệu điều dưỡng chính quy thừa nhận năm 2015 là “Năm Đạo đức Điều dưỡng,” đó là một yêu cầu tích cực tham gia vào việc cập nhật và sửa đổi Quy tắc Đạo đức Điều dưỡng. Ngày nay, các tình huống yêu cầu điều dưỡng thực hiện đánh giá đạo đức nghề nghiệp độc lập để hành động vì lợi ích tốt nhất của bệnh nhân và những người dễ bị tổn thương là việc phổ biến trong môi trường chăm sóc sức khỏe phức tạp về ghép tạng và lấy tạng. Người ta cho rằng không có điều dưỡng nào bị buộc phải vi phạm các tiêu chuẩn chuyên môn và đạo đức hoặc bị trừng phạt nếu từ chối làm như vậy, với các quy định bảo vệ người tố cáo ở hầu hết các khu vực pháp lý ở Hoa Kỳ.

Các điều dưỡng chuyên nghiệp có liên quan hiện đang tìm kiếm sự hỗ trợ của các tổ chức hướng dẫn trong việc sửa đổi các quy tắc đạo đức điều dưỡng tương ứng của họ để đưa vào các chính sách hướng dẫn giải quyết mối quan tâm cấp bách này. Vấn đề này ảnh hưởng đến ngành điều dưỡng và y tế và không bị giới hạn bởi quốc gia hoặc vùng lãnh thổ.

Hiện tại, Hội đồng Điều dưỡng Quốc tế, Trường Cao đẳng Điều dưỡng Hoàng gia Úc, Trường Cao đẳng Điều dưỡng Hoàng gia (Anh) và Hiệp hội điều dưỡng Hoa Kỳ chưa có tuyên bố quan điểm nào về thu hoạch nội tạng cưỡng bức hoặc du lịch ghép tạng, và điều này hạn chế tính hiệu quả của các điều dưỡng với tư cách là một lực lượng để thay đổi. Vai trò của điều dưỡng với tư cách là người ủng hộ, làm việc bên cạnh bác sĩ và các chuyên gia chăm sóc sức khỏe khác, đã bị gạt ra ngoài lề và điều này loại trừ điều dưỡng ra khỏi việc trở thành một phần hợp pháp của cuộc tranh luận về cách ngăn chặn sự thông đồng và tìm giải pháp cho sự bất cân xứng giữa cung và cầu nội tạng trong cộng đồng của chúng ta và ở nước ngoài.

Trong những tháng gần đây, Quốc hội Hoa Kỳ, Nghị viện Âu Châu, Liên minh Âu Châu và 14 quốc gia thành viên, Ý, Đài Loan, Israel, và Úc đã hành động để yêu cầu điều tra ngay lập tức và/hoặc hình sự hóa hành vi thu hoạch nội tạng phi đạo đức để cấy ghép nhanh chóng nhằm kiếm lời ở Trung Quốc. Tháng 06/2015, một nhóm bác sĩ, luật sư và các nhà hoạt động quốc tế đã gặp nhau tại Palais des Nations, trụ sở của Liên Hiệp Quốc, để xem xét và đưa ra bằng chứng mới về hoạt động thu hoạch nội tạng đang diễn ra ở Trung Quốc, đồng thời một lần nữa kêu gọi Liên Hiệp Quốc mở một cuộc điều tra toàn diện về vấn đề này. Hành động này là kết quả của một sáng kiến quốc tế rất thành công nhờ có sự giúp đỡ của các điều dưỡng, với hơn 2 triệu người ký vào bản kiến nghị DAFOH kêu gọi Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc hành động.

Bối cảnh

Vì các lý do văn hóa, nên việc công dân Trung Quốc tự nguyện hiến tạng là điều cấm kỵ và số tạng được hiến tặng hoàn toàn không đủ để đáp ứng nhu cầu được báo cáo của nước này là ít nhất 300,000 người cần cấy ghép. Vì vậy, Trung Quốc đã xác nhận rằng họ dựa vào việc thu hoạch nội tạng từ các tù nhân bị hành quyết. Tuy nhiên, vào tháng 12/2014, Trung Quốc đã phản ứng trước áp lực ngày càng tăng của quốc tế liên quan đến hoạt động ghép tạng của nước này bằng cách tuyên bố chấm dứt việc thu mua nội tạng không tự nguyện từ các tù nhân bị hành quyết trước tháng 01/2015.

Tuy không có nguồn nội tạng, nhưng Trung Quốc vẫn không hề ngừng các hoạt động ghép tạng. Thay vào đó, một lời đề nghị chưa từng có đã được đưa ra (và bị Đài Loan từ chối) để buôn bán nội tạng với Đài Loan, và quảng cáo các cơ hội du lịch ghép tạng.

Ngoài việc phớt lờ sự lên án trên toàn cầu, Trung Quốc hiện còn cố gắng tẩy trắng các hành động của nước này bằng cách định nghĩa lại tù nhân là “công dân,” những người, vì quyền công dân của họ, có quyền “tự nguyện” hiến tạng như những người tự do ở các quốc gia khác. Điều này vi phạm [hướng dẫn đạo đức ghép tạng của] WHO và tất cả các cơ quan quản lý y tế khác.

Tuy nhiên, tù nhân lương tâm không phải là tội phạm bị kết án. Mối lo ngại cấp bách là Trung Quốc, mặc dù có nhiều bằng chứng từ các nguồn quốc tế, vẫn không công khai thừa nhận sự phụ thuộc vào việc khai thác tù nhân lương tâm, không cho phép bất kỳ sự minh bạch nào, và không hợp tác trong việc bảo đảm đáp ứng các tiêu chuẩn đạo đức. Điều này khiến cho bất kỳ thông báo nào về việc chấm dứt việc sát hại vào năm 2015 đều chỉ là một lời hứa suông. Các hướng dẫn đạo đức quốc tế nêu rõ rằng các tù nhân bị tước đoạt tự do không có khả năng bảo đảm việc quyên góp tự nguyện, miễn phí, và không thể bảo đảm rằng không liên quan đến việc nhà tù cưỡng bức. Trên thực tế, không có quy trình hoặc quyền kháng cáo đối với các tử tù ở Trung Quốc và các vụ hành quyết thường diễn ra trong vòng bảy ngày sau khi tuyên án tử hình.

Các nhà điều tra loan báo rằng các tù nhân lương tâm bị bức hại, bị giam giữ, bị tra tấn, và bị theo dõi y tế trong các nhà tù và trại cải tạo và trở thành ngân hàng hiến tạng sống cho ngành cấy ghép sinh lời của Trung Quốc. Được biết đến nhờ những lợi ích sức khỏe từ việc tu luyện tâm linh, các học viên Pháp Luân Công được cho là nguồn nội tạng chính, cùng với những người thiểu số Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng, và các tín đồ Cơ Đốc tại gia cũng là nạn nhân của hành vi tàn bạo này. Ký giả điều tra và là chuyên gia về Trung Quốc, ông Ethan Gutmann, báo cáo rằng ngành ghép tạng trợ giúp tài chính cho hệ thống bệnh viện quân đội của Trung Quốc và là một ngành kinh doanh có lợi nhuận hàng tỷ dollar. Trong thập niên qua, ngành công nghiệp ghép tạng tăng trưởng một cách nhanh chóng, với hơn 160 cơ sở, đã phát triển ở Trung Quốc, biến việc cưỡng bức thu hoạch thận và gan từ các tù nhân thành lợi nhuận 200,000 USD trên mỗi cơ thể, biến con người thành sinh khối gần như chỉ sau một đêm. Mọi người đều kiếm được tiền từ đó – những người môi giới, các bác sĩ, và bệnh viện, công ty dược phẩm và nhiều người khác.

Sử dụng lời khai chính thức từ những người sống sót, gia đình nạn nhân, báo cáo của điều tra viên, lời kể của chuyên gia y tế Trung Quốc và dữ liệu công khai của chính Trung Quốc, người ta ước tính rằng hàng chục ngàn tù nhân đã bị sát hại để lấy nội tạng ở Trung Quốc kể từ khoảng năm 2000. Năm 1989, vụ Thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn, với việc sát hại khoảng 3,000 học sinh sinh viên, đã trở thành thông tin phổ biến gây lo ngại và bị lên án trên toàn cầu, và mọi người đều đứng lên phản đối. Tuy nhiên, số người bị hành quyết ở Trung Quốc để thu nội tạng cưỡng bức gấp 30 đến 50 lần con số này, con số này tăng dần trong 15 năm qua, và làn sóng phản đối trên toàn cầu đã bị bóp nghẹt. Liệu cuộc thảm sát có thể diễn ra mà không bị chú ý và không bị phản đối chỉ vì nó được giữ bí mật và được lan truyền một cách ngấm ngầm trong nhiều năm? Liệu những con số có làm tăng mức độ lo ngại, hay việc sát hại dù chỉ một người dễ bị tổn thương đã đủ quan trọng để thế giới hành động không?

Tóm lại, các điều dưỡng có nghĩa vụ phải đối mặt với những thách thức này với lòng can đảm, sự tự tin và kỹ năng, họ cần được nâng cao nhận thức, hướng dẫn và được luật pháp bảo vệ. Việc điều dưỡng vô tình không hành động có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bệnh nhân và thất bại trong việc vận động bệnh nhân. Với các vấn đề đạo đức và pháp lý đang bị đe dọa, khi nào và bằng cách nào để các điều dưỡng quyết định hành động theo các hướng dẫn đã có từ lâu nhằm bảo đảm sự chế ước về mặt đạo đức? Các điều dưỡng có được quyền, với tư cách là người tố cáo, báo cáo trung thực các trường hợp thông đồng lạm dụng cấy ghép không, và nếu vậy thì họ nên báo cáo cho ai?

Với chức nghiệp của mình, các điều dưỡng được hưởng quyền lợi một cách hợp pháp trong chính sách y tế và nhân quyền, và theo các quy tắc đạo đức điều dưỡng của họ trên toàn thế giới, họ nên hành động như những nhà lãnh đạo thiện lành về nhân quyền để thúc đẩy các hoạt động đạo đức với tiếng nói lâu dài nhằm lên tiếng cho những người không được lên tiếng.

Tài liệu tham khảo

  1. ANA Position Statements on Ethics and Human Rights; https://www.nursingworld.org/MainMenuCategories/EthicsStandards/Ethics-Position-Statements
  2. Collins-Perrica, D. (2015). Nurse calls attention to issue of forced organ harvesting: unethical practice widespread in China. Reflections on Nursing Leadership. The International Honor Society of Nursing (STTI). May, 2015; https://www.reflectionsonnursingleadership.org/Pages/Vol41_2_NoteFeature_Collins-Perrica.aspx
  3. Collins-Perrica, D., & Kerr, L. (2015). Organ transplantation in China: concerns remain. The Lancet. February, 2015; https://www.thelancet.com/journals/lancet/article/PIIS0140-6736(15)60485-8/fulltext
  4. Corfee, A.(2015). Transplant tourism and organ trafficking: ethical implications for the nursing profession. Nurs Ethics. May 22, 2015.
  5. Gutmann, E. (2014). The slaughter: mass killings, organ harvesting, and China’s secret solution to its dissident problem. Amherst, NY: Prometheus.
  6. Matas, D., & Trey, T. (Eds.). (2012). State organs: transplant abuse in China. Seraphim Editions, Niagara Falls, ON, Canada.
  7. Mei-che Pang, S., Sawada, A., Konishi, E., Olsen, D.P., Yu, P.L.H., Chan, M., & Mayumi, N. (2003). A comparative study of Chinese, American and Japanese Nurses’ perceptions of ethical role responsibilities. Nursing Ethics, 10, 295-300; https://nej.sagepub.com/content/10/3/295
  8. South Korean media coverage of DAFOH at the ICN. (Korean); https://media.daum.net/press/newsview?newsid=20150623094822632; https://www.newswire.co.kr/newsRead.php?no=795593; ICN media coverage. https://en.minghui.org/html/articles/2015/7/1/151344.html (Retrieved from the Internet 7/12/15)
  9. Whistleblower Protection Laws for Healthcare Workers. National Nurses United. https://www.nationalnursesunited.org/pages/whistleblower-protection-laws-for-healthcare-workers. (Retrieved from the Internet 7/19/15).